Chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm của một số nước và bài học cho Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:00, 06/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các chính sách tài chính - tín dụng nhằm thúc đẩy nông nghiệp CNC có ý nghĩa thiết thực đối với một nước sản xuất nông nghiệp  chiếm ưu thế như Việt Nam.

Tóm tắt: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu hướng và là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm của nhiều nước phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong lĩnh vực nông nghiệp tùy thuộc vào quan điểm của Chính phủ và điều kiện tự nhiên của từng quốc gia. Theo đó, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng… ở mỗi quốc gia đối với lĩnh vực này cũng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các chính sách tài chính - tín dụng nhằm thúc đẩy nông nghiệp CNC có ý nghĩa thiết thực đối với một nước sản xuất nông nghiệp  chiếm ưu thế như Việt Nam.

Financial and credit policies to support the development of hi-tech agriculture - Experiences of some countries and lessons for Vietnam

Abstract: The development of high-tech agriculture is becoming a trend and one of the key, critical solutions of many developed countries, especially in the context of international economic integration and strong development of the 4.0 technology revolution. The application of high technology in agricultural sector depends on the Government's point of view and natural conditions of each country, accordingly, supporting policies on financing, credit... are also different from country to country. Therefore, the study of international experience on financial-credit policies to promote high-tech agriculture has practical significance for a dominant agricultural producers like Vietnam.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp CNC phát triển, nhiều quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, về thuế, về đất đai… cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện cho người nông dân cải tiến phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến trong phát triển nông nghiệp. 

1. Chính sách hỗ trợ về tài chính - tín dụng nhằm phát triển nông nghiệp CNC

Israel

Chính sách hỗ trợ tài chính – tín dụng

Israel là một trong những quốc gia đi đầu về nông nghiệp CNC với 280 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và 200 nhà xuất khẩu dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp CNC. Kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp CNC của Israel ước tính đạt 4 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, ít ai biết Israel là một quốc gia không có những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp , trong khi đó nhu cầu về sản xuất nông nghiệp gia tăng đáng kể do lượng người nhập cư ồ ạt vào cuối những năm 1980, nguồn tài chính của Chính phủ lại không đủ dồi dào để nhập khẩu các sản phẩm nông sản. Vì vậy, Chính phủ Israel đã ưu tiên phát triển KHCN và đẩy mạnh ứng dụng CNC trong các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp; đồng thời thực hiện nhiều chính sách như huy động vốn qua các quỹ đầu tư mạo hiểm hay bảo lãnh tín dụng nhằm hỗ trợ sản xuất những sản phẩm nông nghiệp  có chất lượng tốt và số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Để tạo điều kiện cho những người nông dân tại các trang trại nhỏ có được nguồn vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là có đủ nguồn vốn để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến ứng dụng trong nông nghiệp, năm 2015, Israel thành lập một quỹ tín dụng với mục tiêu giúp thành lập hoặc mở rộng các trang trại nhỏ chuyên sản xuất cây trồng. Chính phủ đóng vai trò là người bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng với mức đảm bảo 85%, nhằm đảm bảo các trang trại nhỏ không có đủ tài sản thế chấp có thể tiếp cận các khoản vay từ quỹ tín dụng này.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đặc biệt cũng được Chính phủ Israel đặc biệt quan tâm. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Nông nghiệp &PTNT) đã kết hợp với Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) cung cấp 23 triệu ILS (6,4 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp . Theo đó, ba loại tài trợ đã được cung cấp gồm: (i) Tài trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các công ty, (ii) Tài trợ hỗ trợ hợp tác giữa các trung tâm R&D địa phương và khu vực tư nhân, (iii) Tài trợ hỗ trợ phát triển sản phẩm mới.

Bộ Nông nghiệp &PTNT cũng thành lập Trung tâm Quốc gia về Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Chỉnh sửa Hệ gen trong nông nghiệp  tại Israel với kinh phí 58 triệu ILS (16 triệu USD). Mục tiêu của Trung tâm là phát triển năng lực công nghệ sinh học của đất nước, đồng thời phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào an ninh lương thực. Để khuyến khích sự hợp tác nghiên cứu giữa khu vực công và các viện nghiên cứu cũng như các trường đại học, Quỹ chia sẻ chi phí 14 triệu ILS mang tên Noah’s Ark được thiết lập nhằm tài trợ cho các dự án R&D về khoa học, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp trong nước và quốc tế trong ngắn hạn đến trung hạn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Quỹ đã thúc đẩy các dự án R&D về máy móc và đầu vào nông nghiệp, đổi mới nông nghiệp  kỹ thuật số, công nghệ nông nghiệp chính xác, bảo vệ thực vật, cải tiến sau thu hoạch, chế biến thực phẩm, chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp &PTNT Israel cũng thành lập quỹ dành riêng cho các khoản vay cho nông dân, đặc biệt là những nông dân muốn áp dụng công nghệ để trồng trọt, chăn nuôi các nông sản hướng tới xuất khẩu như bơ, hạnh nhân, nho, cà rốt, khoai tây, ớt, cam quýt và hoa. Quy mô của quỹ này khoảng 50 triệu USD. Các ngân hàng được lựa chọn cho quỹ là Ngân hàng Hapoalim, Ngân hàng Giảm giá Mercantile, Ngân hàng Mizrachi và Ngân hàng Otzar Hachayal.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp CNC

Để xây dựng được một nền nông nghiệp CNC, hiện đại, Isarel đã nỗ lực đầu tư cho các chương trình R&D trong lĩnh vực nông nghiệp cao và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Israel. Ngân sách nhà nước chi hằng năm khoảng 90 triệu USD để đầu tư vào các dự án R&D trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm trên 20% tổng ngân sách cho R&D. Trong giai đoạn 2017 - 2019, 344 triệu ILS (96 triệu USD) được phân bổ hàng năm cho R&D trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó gần 73 triệu ILS (20 triệu USD) được sử dụng cho quỹ nghiên cứu cạnh tranh mỗi năm. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí cho R&D trong lĩnh vực nông nghiệp còn đến từ hợp tác song phương, các tổ chức nông nghiệp cấp địa phương và quốc gia, khu vực tư nhân. Nguồn kinh phí này được cung cấp trực tiếp cho việc R&D các sản phẩm nông nghiệp mới, các ứng dụng CNC, các dịch vụ công nghệ hiện đại phục vụ cho người nông dân; hỗ trợ đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo, khai thác thị trường tiềm năng bên ngoài Israel cho các sản phẩm nông nghiệp CNC nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và khuyến khích tiếp nhận các công nghệ tiên tiến. Israel còn khuyến khích nông dân tham gia vào các chương trình hỗ trợ đầu tư thông qua việc miễn giảm thuế thu nhập. Nhờ nguồn vốn đầu tư cùng việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến các nông trại về các đổi mới, tiên tiến của KHCN đã tạo điều kiện thúc đẩy Israel trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là canh tác trong điều kiện khô cằn và sa mạc.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những quốc gia có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong chính sách phát triển kinh tế, nước này luôn ưu tiên đầu tư phát triển ngành nông nghiệp  theo hướng ứng dụng CNC. Tháng 12/2013, Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch tạo động lực thông qua nông, lâm, thủy sản và cộng đồng địa phương. Kế hoạch này đánh dấu sự thay đổi chính sách nông nghiệp lớn nhất của Nhật Bản nhằm phát triển nền nông nghiệp của nước này thành nền công nghiệp hiện đại với chuỗi giá trị hiệu quả. Kế hoạch đặt ra 5 mục tiêu chính: (1) Tăng gấp đôi thu nhập của người nông dân trong vòng 10 năm; (ii) Tăng gấp đôi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lên đến 1 nghìn tỷ JPY (9 tỷ USD) vào năm 2020; (iii) Tăng gấp đôi số lượng người mới tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ; (iv) Tập trung 80% đất nông nghiệp  cho người nông dân trong vòng 10 năm; (v) Giảm chi phí sản xuất lúa gạo của người nông dân xuống 40% trong vòng 10 năm (OECD, 2019). Để đạt được những mục tiêu này, Nhật Bản tập trung xây dựng các chính sách tài chính - tín dụng về nông nghiệp  một các toàn diện hướng tới thu hút đầu tư cho nông nghiệp CNC, đặc biệt là các chính sách về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính - tín dụng cho nông nghiệp CNC.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp CNC, Nhật Bản tập trung cải thiện chất lượng nông sản, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc khuyến khích người nông dân hoạt động sản xuất tích cực, chuyển đổi sang các loại cây trồng mang lại giá trị cao, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để trồng trọt, canh tác, tránh lãng phí nguồn lực. Để đạt được những mục tiêu trên, Nhật Bản đã đưa ra các chương trình hỗ trợ giá, hỗ trợ thu nhập và chi phí sản xuất, quản lý rủi ro, tín dụng cũng như trích nguồn ngân sách lớn cho các hoạt động R&D trong nông nghiệp.

Chương trình hỗ trợ giá

Nhật Bản đã đưa ra một loạt chương trình hỗ trợ giá như chương trình kiểm soát nguồn cung gạo bằng cách phân bổ hạn ngạch sản xuất cho người nông dân nhằm duy trì khối lượng sản xuất chung của nước này và mức giá cân bằng trên thị trường. Tuy nhiên, năm 2018, Nhật Bản đã chuyển từ việc Chính phủ và chính quyền địa phương phân bổ hạn ngạch sản xuất cho người nông dân sang việc người nông dân tự chủ động lập kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu của thị trường, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thông qua cung cấp những thông tin chi tiết về giá, cung, cầu và mức dự trữ quốc gia. Ngoài ra, nhằm khuyến khích đa dạng hóa nguồn nông sản, Nhật Bản còn tiếp tục cung cấp những khoản trợ cấp cho những người nông dân chuyển từ sản xuất gạo sang các loại cây trồng khác (ví dụ như lúa mì, đậu tương) (OECD, 2019).

Chương trình hỗ trợ thu nhập và giảm chi phí sản xuất cho người nông dân

Để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ việc trả tiền trực tiếp cho nông dân ở các vùng đồi núi nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ hoang đất đai do sản xuất nông nghiệp  gặp nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp ở những khu vực này không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất ngành nông nghiệp  mà còn đóng vai trò như biện pháp chống xói mòn đất, bảo tồn nguồn nước, duy trì cảnh quan hướng tới một nền nông nghiệp  hiện đại và bền vững. Hình thức hỗ trợ trực tiếp này sẽ bù đắp 80% chi phí sản xuất giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Trong năm 2017, 663 nghìn hecta đất đã nhận được khoản hỗ trợ này, chiếm 84% diện tích canh tác đủ điều kiện (OECD, 2017).

Bên cạnh đó, Luật Ổn định thu nhập trang trại cũng ban hành ba hình thức chi trả trực tiếp mới cho nông dân nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, gồm: (i) Khoản hỗ trợ dựa trên diện tích đã trồng trọt nhằm khắc phục những bất lợi trong nông nghiệp  trong nước do những bất lợi về địa lý so với những nước khác; (ii) Khoản hỗ trợ được chi trả theo chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng trong nước; (iii) Khoản hỗ trợ nhằm bù đắp 90% thu nhập bị mất so với thu nhập bình quân của 5 năm trước nhằm giảm thiểu bất ổn về thu nhập do biến động giá gây ra (OECD, 2019).

Chương trình hỗ trợ quản lý rủi ro

Người nông dân Nhật Bản còn được hưởng lợi từ các chương trình khôi phục thiên tai. Chính phủ sẽ đài thọ 50% chi phí khôi phục đất nông nghiệp  (65% chi phí cơ sở sản xuất nông nghiệp). Tập đoàn Tài chính Nhật Bản (JFC) (1) cũng cung cấp tín dụng với lãi suất thấp cho các nông dân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh, cũng như các rủi ro kinh tế - xã hội khác.

Chương trình tín dụng

Vai trò của các ngân hàng thương mại trong tài chính nông nghiệp  nói chung và nông nghiệp CNC nói riêng là tương đối nhỏ, chỉ chiếm 15% tổng cho vay nông nghiệp  (năm 2016), chủ yếu là cho vay cho tiêu dùng hộ gia đình hơn là hoạt động nông nghiệp  (SMTB, 2013), trong khi đó, các tổ chức tài chính của Chính phủ và Hợp tác xã nông nghiệp  Nhật Bản (JA) chiếm tỷ lệ cao với lần lượt là 47% và 39%. Nguyên nhân là do vai trò khó thay thế của Chính phủ và các tổ chức tài chính trong việc cho vay cho các hoạt động nông nghiệp; thế chấp đất canh tác gặp nhiều khó khăn do các quy định nghiêm ngặt; rủi ro về thị trường và điều kiện tự nhiên không thuận lợi; thiếu kế hoạch đảm bảo nợ… (SMTB, 2013).

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) cung cấp các chương trình tín dụng khác nhau, thông qua các JA và Tập đoàn Tài chính Nhật Bản (JFC). JFC cung cấp tín dụng dài hạn với lãi suất thấp trong tối đa 25 năm cho người nông dân. Tính đến năm 2017, chương trình này có dư nợ tín dụng là 570 tỷ JPY (5,1 tỷ USD), tương đương 11% giá trị gia tăng trong nông nghiệp . Trong khi đó, JA sẽ cung cấp các khoản tín dụng dài hạn, lên đến 15 năm. Các chương trình tín dụng của các tổ chức này chiếm 70% tín dụng cho hoạt động nông nghiệp.

Trước đây tại Nhật Bản, tín dụng là hình thức chủ yếu để đầu tư cho các tập đoàn nông nghiệp  thay vì các khoản đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư vào ngành nông nghiệp  nói chung, nông nghiệp CNC nói riêng, năm 2012, Nhật Bản đã dần nới lỏng các quy định hạn chế các công ty ngoài ngành tham gia sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, việc sửa đổi các quy định về đất nông nghiệp đã cho phép các tập đoàn phi nông nghiệp  được đầu tư, nắm giữ 50% quyền sở hữu các tập đoàn nông nghiệp, thay vì 25% như trước đây (OECD, 2019).

Ngoài ra, vào tháng 2/2013, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Tổng công ty Quỹ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản công tư cho đổi mới, chuỗi giá trị và mở rộng tại Nhật Bản (A-FIVE) với 94% cổ phần. A-FIVE cung cấp các khoản đầu tư dài hạn cho các doanh nghiệp, bao gồm cả người nông dân lẫn các công ty ngoài ngành muốn tham gia sản xuất nông nghiệp, nhằm khuyến khích gia tăng giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp  thông qua đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ thông tin, CNC. Tính đến cuối năm 2017, A- FIVE đã đầu tư vào 127 dự án với trị giá khoảng 11,4 tỷ JPY (102 triệu USD).

Khuyến khích đầu tư vào R&D

Nhật Bản duy trì mức đầu tư cho R&D tương đối cao, với tỷ lệ tổng chi tiêu trong nước cho R&D (GERD)/GDP luôn ở mức trên 3% trong giai đoạn 2007 - 2016. Trong đó, tổng các khoản đầu tư cho R&D của tư nhân chiếm phần lớn với 70%, tiếp theo là các trường đại học (20%) và khu vực công (7%). Tuy nhiên, trong đầu tư cho R&D cho nông nghiệp  của Nhật Bản thì khu vực công lại chiếm phần lớn. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản đối với việc đầu tư R&D vào khu vực nông nghiệp. Tỷ lệ trích lập/chi tiêu của Chính phủ cho R&D trong nông nghiệp trên tổng sản lượng nông nghiệp  đạt đỉnh vào năm 2009 ở mức 2,54% (OECD, 2019). Tuy tỷ lệ này giảm dần cho đến năm 2013, nhưng so với hầu hết các nước OECD khác, mức độ đầu tư công vào R&D trong nông nghiệp của Nhật Bản vẫn ở mức cao.

2. Chính sách thuế hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp CNC

Một số quốc gia áp dụng các mức thuế ưu đãi cho hoạt động R&D để thu hút đầu tư cho nông nghiệp CNC, một số nước khác còn thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong nước thông qua việc áp các mức thuế quan nhập khẩu cao đối với các sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo hộ nền nông nghiệp  trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các nông sản nông nghiệp CNC mang lại nhiều giá trị.

Israel

Israel bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước thông qua mức thuế nhập khẩu cao đối với phần lớn các sản phẩm nông nghiệp. Một số ngành như trứng, sữa được áp dụng các chính sách đặc biệt về giá và hạn ngạch nhằm đảm bảo lợi nhuận cho các nhà sản xuất trong nước. Mặt khác, Israel áp dụng chính sách về kiểm soát giá tiêu dùng cho các sản phẩm cơ bản như bánh mì, sữa và trứng.  Bên cạnh đó, bảo hộ thuế quan biên giới đối với các sản phẩm nông sản vẫn là một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) áp dụng trung bình của Israel đối với hàng hóa nông nghiệp  mặc dù đã giảm từ 27,7% (năm 2012) xuống 19,1% (năm 2018), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 3% đối với hàng hóa phi nông nghiệp. Ngoài ra, Israel cũng áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với lúa mì, dầu mỡ, quả óc chó, mận khô, ngô, nước ép cam quýt, thịt bò và thịt cừu và các sản phẩm từ sữa khác nhau. Hầu hết các hiệp định thương mại ưu đãi của Israel đều bao gồm các cam kết hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp . Tính tới năm 2018, Israel thực hiện 258 TRQ ưu đãi đối với hàng hóa nông nghiệp .

Mặc dù đã có một số cải cách nhất định, thuế quan của Israel đối với các sản phẩm nông nghiệp  vẫn không đồng đều, đối với các hàng hóa như sản phẩm sữa, trứng và một số loại trái cây và rau quả phải chịu mức thuế cao, trong khi các mặt hàng như ngũ cốc thô, đường, hạt có dầu và thịt bò đông lạnh lại được hưởng mức thuế suất thấp, đôi khi bằng 0. Chỉ khoảng 55,6% nông sản nhập khẩu vào Israel được miễn thuế, chủ yếu miễn thuế MFN và được tuân thủ theo ưu đãi của các hiệp định thương mại (thường là các FTA với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ).         

Nhật Bản

Nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp  trong nước, Nhật Bản áp dụng mức thuế nhập khẩu đối sản phẩm nông nghiệp  (16,3%) cao hơn mức thuế đối với các sản phẩm phi nông nghiệp  (3,6%) (OECD, 2019). Hệ thống thuế quan với mức thuế cao ngoài hạn ngạch áp dụng cho các mặt hàng nông sản chính như gạo, lúa mì, lúa mạch, các sản phẩm từ sữa. Sau khi ký kết Hiệp định về nông nghiệp  trong Vòng đảm phán Uruguar (URAA) vào năm 1993, Nhật Bản đã thay thế tất cả các hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu bằng hạn ngạch thuế quan, ngoại trừ gạo (thay thế bằng hạn ngạch thuế quan vào năm 1999). Hiện nay, thuế suất ngoài hạn ngạch đối với gạo là 341 JPY (3 USD)/kg, hạn ngạch đối với gạo là 682.200 tấn (gạo xay) (OECD, 2019).

Nhật Bản đã phát triển hệ thống tín dụng thuế cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ một số chi phí liên quan đến R&D, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thúc đẩy các doanh nghiêp đầu tư vào R&D. Tại Nhật Bản tổng tín dụng thuế, khi áp dụng tất cả các khoản tín dụng thuế hiện có, được giới hạn ở mức 40% thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Kể từ tháng 4/2017, ngoài R&D trong sản xuất, các dự án, nghiên cứu phát triển dịch vụ liên quan đến CNTT cũng đủ điều kiện để được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa rằng, phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp  mà áp dụng CNC cũng đủ điều kiện để được khấu trừ thuế. Ưu đãi thuế cho R&D sẽ được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô nhưng các mức ưu đãi thuế khác nhau, phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp hợp tác R&D với các tổ chức nghiên cứu hoặc các trường đại học, 30% chi phí hợp tác về R&D sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Các mức thuế ưu đãi sẽ tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp tăng chi tiêu cho R&D hoặc duy trì mức chi tiêu cho R&D cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nông nghiệp CNC phát triển.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang từng bước tiến hành cắt giảm thuế đối với những người vận hành các trang trại CNC trong nhà để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này và biến “nông nghiệp  thông minh” thành một ngành tăng trưởng. Mặt khác, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, thuế tài sản đánh vào đất được sử dụng để canh tác trong nhà trung bình là 12 nghìn JPY (107 USD)/10 lần trong một năm, cao gấp hơn 10 lần mức 1.000 JPY đối với đất nông nghiệp. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã hướng tới nới lỏng dần các quy định về thuế đất để giảm thiểu gánh nặng về thuế cho những người điều hành các trang trại trong nhà theo hướng nông nghiệp CNC, đồng thời góp phần mở rộng ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp CNC.

Canada

Cả chính quyền liên bang và các địa phương đều sử dụng các ưu đãi thuế để thúc đẩy hoạt động đầu tư vào R&D của các doanh nghiệp Canada bao gồm các tập đoàn nông nghiệp và các cơ sở kinh doanh nông sản thực phẩm (Carew, 2015). Chương trình Ưu đãi thuế dành cho Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Thử nghiệm (SR&ED) là chương trình hỗ trợ thuế liên bang lớn nhất hỗ trợ R&D cho hoạt động kinh doanh ở Canada và được bổ sung bằng các khoản tín dụng liên quan của địa phương dành cho R&D (OECD, 2020). Các hoạt động được hưởng ưu đãi thuế SR&ED là: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển thử nghiệm. Các ưu đãi thuế có ba hình thức: Khấu trừ thu nhập (cho phép khấu trừ ngay lập tức tất cả các khoản chi tiêu được phép), tín dụng thuế đầu tư (được áp dụng cho các loại thuế thu nhập phải nộp và được hoàn lại một phần hoặc toàn bộ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn) và hoàn thuế trong một số trường hợp nhất định. Tín dụng thuế 35% cho 3 triệu CAD đầu tiên được chi tiêu theo chương trình ưu đãi thuế SR&ED và 15% cho các khoản chi tiêu tiếp theo cộng với các khoản tín dụng thuế cấp địa phương từ 3,5% đến 15% (Quebec là 30% - 35,7%). Tín dụng thuế theo chương trình SR&ED được đánh giá là rất phù hợp cho ngành nông nghiệp , vì tại Canada có rất ít doanh nghiệp nông nghiệp  nhỏ có thể tự đầu tư, chi tiêu cho các dự án nghiên cứu. Ngoài ra, thông qua chương trình SR&ED, những nghiên cứu nông nghiệp, công nghệ tiên tiến cho ngành nông nghiệp có thể được xây dựng, hình thành, phát triển và ứng dụng trong đời sống hoạt động thưc tế, điều này góp phần mang lại những lợi ích lan tỏa cho người nông dân.

3. Một số bài học rút ra

Thứ nhất, việc bảo hộ ngành nông nghiệp  trong nước (thông qua chính sách thuế, giá) có thể giúp bảo vệ người nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ, tạo thị trường đầu ra cho người nông dân. Điều này mang đến động lực giúp người nông dân trong nước yên tâm sản xuất, cải thiện các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; không ngừng cải tiến và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất nông nghiệp; đồng thời thu hút thêm nhiều các nhân tố mới, các doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, khi thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng nông sản sạch và chất lượng cao thì việc lĩnh vực nông nghiệp  trong nước phát triển mạnh với chất lượng nông sản cao sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh đối với xuất khẩu của các quốc gia này. Tuy nhiên, các quốc gia hiện nay dần ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thì sự cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, chính vì vậy các nước như Israel hay Nhật Bản cũng đang xem xét nới lỏng các chính sách bảo hộ, với tham vọng đưa ngành nông nghiệp  với chủ lực chính là nông nghiệp CNC từ chỗ phải phụ thuộc vào trợ cấp Chính phủ trở thành lĩnh vực có thế mạnh của các nền kinh tế này trong thời gian tới.

Thứ hai, chính phủ các quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc bảo lãnh tín dụng nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Điều này giúp thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp nông nghiệp hoặc các nhà sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Một số quốc gia (Israel, Nhật Bản) thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ quản lý rủi ro và đảm bảo mức bồi thường hợp lý để bù đắp được tổn thất và không ảnh hưởng lớn đến yếu tố sản xuất của nhà đầu tư sau khi bị thiệt hại.

Thứ ba, để phát triển nông nghiệp CNC, các quốc gia (Nhật Bản, Israel, Canada) đều tập trung đưa ra nhiều chính sách tài chính - tín dụng (chi ngân sách cao, các gói tín dụng cho hoạt động R&D cho nông nghiệp  với lãi suất thấp, các ưu đãi thuế, đất nông nghiệp …) hỗ trợ khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nhiều nước cũng dần nới lỏng một số quy định về thuế và từng bước cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà để người dân, các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia và đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, cũng như dễ dàng chuyển đổi mô hình nông nghiệp  theo hướng hiện đại và có giá trị cao.

4. Khuyến nghị cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế… nhằm thúc đẩy nông nghiệp  phát triển, đặc biệt là nông nghiệp CNC ở một số quốc gia, có thể rút ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp CNC từ cấp trung ương đến địa phương và đến từng người nông dân. Đây là yếu tố tiên quyết có ý nghĩa quyết định chiều hướng và mức độ phát triển nền nông nghiệp CNC tại Việt Nam. Phát triển nông nghiệp CNC cần có tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch phát triển bài bản, đầu tư dài hạn nhằm hình thành các vùng, khu, cụm nông nghiệp CNC tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các hệ thống pháp lý hiện đại, đồng bộ nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam. Khung khổ pháp lý này được xây dựng trên cơ sở tham khảo và tận dụng kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý của Việt Nam, tận dụng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh về điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp CNC. Hiện Việt Nam đã ban hành một số văn bản liên quan đến CNC làm cơ sở pháp lý cho phát triển nông nghiệp CNC như Luật CNC năm 2008, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020; Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển; Quyết định số 738/QĐ-BNN -KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ NN&PTNN về việc quy định tiêu chí nông nghiệp CNC và phụ lục danh mục CNC... Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ thì nhiều quy định đã trở nên bất cập, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, đồng thời cần  ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù nhằm hỗ trợ nông nghiệp CNC phát triển.

Thứ ba, cần có các chính sách đặc thù, ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế... nhằm hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho phát triển nông nghiệp CNC, trong đó chú trọng xã hội hóa đầu tư cho nông nghiệp CNC. Có như vậy mới thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu tư KHCN cho lĩnh vực nông nghiệp CNC, bởi để có được một nền nông nghiệp CNC phát triển thì nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất, chế biến; mua bản quyền công nghệ, trang bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào lĩnh vực nông nghiệp  có vai trò quan trọng. Đồng thời khuyến khích sự sáng tạo của người nông dân trong quá trình nuôi trồng, chăm sóc, chế biến nông sản để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo cung cấp nguồn nông sản sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường.

Thứ tư, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp CNC để hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp CNC ở Việt Nam; đồng thời hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Thứ năm, chú trọng thông tin tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, vai trò của nông nghiệp CNC, đồng thời hỗ trợ người nông dân trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao; phát triển các kênh bán hàng trực tuyến nhằm giúp cho người nông dân và các hợp tác xã có thêm nhiều cơ hội mang nông sản sạch, chất lượng cao đến người tiêu dùng trên khắp cả nước; hình thành các chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp CNC trong cả nước.

CHÚ THÍCH

(1) JFC là Tập đoàn tài chính thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản (https://www.jfc.go.jp/n/english/)              

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Tổng luận số 7/2019 - Chính sách phát triển NN bền vững của một số quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh mới, https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2019/tl7_2019.pdf.

- Nguyễn Thị Khánh Hồng, Hoàng Anh (2016), Bài học từ bảo hộ NN ở Nhật Bản trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính số tháng 5/2016.

- Nguyễn Thu Phương (2018), Kinh nghiệm quản lý, phát triển NNCNC ở một số nước và giá trị tham khảo, Tạp chí Công Thương.

- Viện Khoa học Kỹ thuật NN miền Nam (2020) Phát triển NNCNC của Nhật Bản, http://iasvn.org/tin-tuc/Phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-cua-Nhat-Ban-9810.html.

- Carew, R. (2005), Science policy and agricultural biotechnology in Canada, Review of Agricultural Economics, 27(3), pp.300-316.

- Matthews, A. (2003), Sustainable development research in agriculture: gaps and opportunities for Ireland,  Department of Economics, Trinity College.

- Nikkei (2017), Japan to prune taxes in hopes of growing farm business, https://asia.nikkei.com/Economy/Japan-to-prune-taxes-in-hopes-of-growing-farm-business

- OECD (2018), Innovation, Agricultural Productivity and Sustainability in Korea, OECD Food and Agricultural Reviews, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/9789264307773-en.

- OECD (2019), Working Party on Agricultural Policies and Market.

- OECD (2019), Innovation, Agricultural Productivity and Sustainability in Japan, OECD Food and Agricultural Reviews, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/92b8dff7-en.

- OECD (2020), Taxation in Agriculture, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/073bdf99-en.

- Sun, X., Wang, Y. and Li, M. (2016), The influences of different R&D types on productivity growth in OECD countries, Technology Analysis & Strategic Management, 28(6), pp.651-663.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2021

ThS. Ngô Xuân Thanh