Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Tin tức - Ngày đăng : 10:06, 07/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước tình hình tăng giá, khan hàng đối với các mặt hàng thiết bị y tế, Ủy ban Pháp luật vừa đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở nhiều địa phương trên cả nước gia tăng khiến nhu cầu sử dụng kit test nhanh COVID-19 cũng tăng theo. Đây là nguyên nhân khiến giá sản phẩm này trên thị trường tăng không ngừng, thậm chí khan hiếm hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng người dân có nhu cầu test sàng lọc và mua dự trữ cho gia đình, khiến nhu cầu thị trường tăng nhanh, trong khi đó nguồn cung từ phía các doanh nghiệp, cửa hàng bán ra rất ít, không kịp đáp ứng nhu cầu, do vậy xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá cao hơn nhằm thu lợi.

Về thực trạng này, báo cáo của Ủy ban Pháp luật trình Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 nêu rõ: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu về mặt hàng kít xét nghiệm nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Dư luận cho rằng dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca nhiễm COVID-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.

Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu,... nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước tình trạng “loạn” giá thiết bị y tế, các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn số 235/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cũng vừa ra Công điện số 286/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế theo nội dung tại Công văn số 854/BYT-TB-CT ngày 23/2/2022 của Bộ Y tế.

Tại Công điện này, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố. Đồng thời, chỉ đạo sở y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

T.H