Chứng khoán giảm, dầu tăng vọt trong bối cảnh Nga tham chiến ở Ukraine

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 22:30, 08/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chứng khoán tiếp tục giảm, giá dầu tăng vọt trước khả năng lạm phát và thiệt hại kinh tế toàn cầu lớn hơn từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt xảy ra sau đó.

 

Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 4.200,89, giảm gần 3%.  

Chỉ số Dow ở mức 32.813,55, giảm xuống 2,4%. 

Nasdaq Composite ở mức 12.380,99, giảm 3,62%. Đây là mức thấp nhất trong hơn một tháng và Nasdaq chính thức bước vào thị trường giá xuống sau khi giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục gần đây. 

Sau khi chỉ số DAX của Đức (DAX) cũng như STOXX (FEZ) có tín hiệu giảm mạnh, các nhà đầu tư chất đống tài sản vào kênh “trú ẩn an toàn” dẫn đến giá vàng (GC = F) trong thời gian ngắn đã vọt lên trên 2.000 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent (BZ = F) đã tăng lên tới 137 USD/thùng. Tương tự, dầu thô trung gian Tây Texas của Mỹ (CL = F) đã tăng lên 130,50 USD/thùng.

Giá năng lượng tăng vọt sau khi Nhà Trắng và các quốc gia châu Âu cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Chính quyền Biden hiện đang thảo luận với các đối tác và đồng minh châu Âu để xem xét và phối hợp về khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga mà vẫn đảm bảo thị trường toàn cầu được cung cấp đủ nguồn cung.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, Mỹ chỉ nhận được khoảng 7,9% tổng nhập khẩu xăng dầu, bao gồm cả dầu thô từ Nga vào năm 2021. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể tác động tiêu cực đến các nước châu Âu vốn phụ thuộc vào dầu thô cũng như khí đốt tự nhiên của Nga. Giá kim loại được sử dụng trong pin nhiên liệu và các sản phẩm năng lượng sạch khác bao gồm paladi và niken cũng tăng vọt trước lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga.

Nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs cho rằng: "Chiến sự giữa Nga - Ukraine và phản ứng của phương Tây sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng cung - cầu nằm ở trung tâm của sự gia tăng lạm phát toàn cầu". Hatzius nói thêm. "Giảm thương mại với một quốc gia thặng dư tài khoản vãng lai thông qua các lệnh trừng phạt và tẩy chay có nghĩa là phần còn lại của thế giới cần sản xuất một lượng lớn hơn những gì họ tiêu thụ."

Nga chỉ chiếm chưa đến 2% thương mại hàng hóa toàn cầu và tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng về dầu mỏ, Nga cung cấp 11% lượng tiêu thụ toàn cầu và 17% lượng khí đốt tự nhiên - bao gồm 40% lượng tiêu thụ của các nước Tây Âu.

Theo ý kiến của Hatzius, nếu các nước phương Tây ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, thì về nguyên tắc, khả năng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mua dầu của Nga nhiều hơn, tương ứng với lượng dầu của Saudi và các nước khác sẽ ít hơn, sau đó có thể chảy sang phương Tây. Nhưng việc 'sắp xếp lại các ghế ngồi trên boong tàu' này không hoàn hảo, không chỉ vì chi phí vận chuyển tăng và các xích mích kỹ thuật khác mà còn vì Trung Quốc và Ấn Độ có thể miễn cưỡng tăng mạnh nhập khẩu và các khoản thanh toán tương ứng. 

Sự không chắc chắn về thương mại toàn cầu và nguồn cung cấp hàng hóa chủ chốt càng làm dấy lên lo ngại về việc lạm phát tiếp tục gia tăng. 

Minh Ngọc