Bạc Liêu: Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:04, 12/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cuộc hành trình bền bỉ của tín dụng chính sách ở tỉnh Bạc Liêu tuy gian khó nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang chảy đều, thấm sâu trên mảnh đất vùng biển Bạc Liêu, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung “xóa trắng” hộ nghèo

Người lao động nghèo được vay vốn giải quyết việc làm tại phòng giao dịch NHCSXH Chi nhanh thành phố Bạc Liêu

Nếu như đầu năm 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.061 hộ nghèo, chiếm 0,47% và 5.212 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,33%, thì đến cuối năm 2021 đã giảm được 268 hộ nghèo, tương đương 0,12%, hộ cận nghèo 2.177 hộ, tương đương 0,99% so với đầu năm 2021. Như vậy, số hộ nghèo đến cuối năm 2021 chỉ còn 793 hộ, chiếm tỷ lệ 0,35% và hộ cận nghèo là 3.035 hộ, chiếm tỷ lệ 1,34%.

Để đạt được kết quả trên, nhờ sự chung tay của toàn xã hội cùng chăm lo cho hộ nghèo, nhất là phát huy vai trò, tính tiền phong của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh và Hội Người cao tuổi (NCT) chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ xuống địa bàn khảo sát nắm nhu cầu từng hộ và lên kế hoạch giúp đỡ 375 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 1,5 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 2.275 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 5,8 tỷ đồng… Đến nay, các đơn vị, địa phương đã nhận giúp đỡ 2.650 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 7,3 tỷ đồng, đạt 176% so với kế hoạch.

Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao và sự giúp đỡ bằng nhiều hình thức của các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Hội NCT các cấp cho thấy, từng hộ nghèo, cận nghèo đã chọn được những mô hình, cách làm phù hợp điều kiện thực tế, hoàn cảnh, từ đó tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ.

Song song đó, tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện tốt công chăm lo sức khỏe cho các hộ nghèo và cận nghèo. Năm qua, công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo cao tuổi luôn nhận được quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nhất là tỉnh đã xuất ngân sách hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ cận nghèo (trung ương hỗ trợ 70%). Như vậy, 100% đối tượng hộ nghèo, cận nghèo cao tuổi đều được hỗ trợ mua BHYT. Cụ thể, đã cấp 2.330 thẻ BHYT cho người nghèo, số tiền 1,2 tỉ đồng; 17.220 thẻ BHYT cho người cận nghèo, số tiền 9,3 tỉ đồng; 166.384 thẻ BHYT cho người sinh sống trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn và xã bãi ngang ven biển, số tiền 64 tỉ đồng; vùng có đông đồng bào dân tộc 18.526 thẻ BHYT, số tiền 7 tỉ đồng.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mua thẻ BHYT cho người nghèo trong hộ nghèo mới thoát nghèo, từ nguồn ngân sách của tỉnh trong năm 2021 cấp cho 2.016 người với số tiền trên 1,6 tỉ đồng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình 135 được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn…

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo. Năm 2021, toàn tỉnh đã vận động, triển khai xây dựng được 477 căn nhà, trị giá mỗi căn từ 30-50 triệu đồng, với tổng kinh phí 14,291 tỉ đồng.

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Đáng chú ý, nguồn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã góp sức hỗ trợ để những hộ nghèo được vay vốn thuận lợi, kịp thời đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt hải sản.

Nổi bật trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh thể hiện rõ về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã huy động trên 2.260 tỷ đồng, tăng gấp 1,75 lần so với năm 2014. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Cụ thể, đã có trên 87.000 hộ vay đang thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết các khó khăn về vốn, tạo việc làm… góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.

Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2026, Chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Hằng năm, cân đối nguồn vốn ưu tiên ủy thác cho NHCSXH tỉnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và lao động của tỉnh vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát các chương trình hỗ trợ sản xuất không hoàn lại từ ngân sách địa phương chuyển dần sang hình thức ủy thác qua NHCSXH, cũng như tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ cá nhân, tổ chức và xã hội; Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi nguồn vốn ngân sách tỉnh cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết 15/2020/NQ-HĐND sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động.

Thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp Nhân dân, còn thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cùng tham gia vận động người dân “Gửi tiền tiết kiệm - Chung tay vì người nghèo”; rà soát các loại quỹ từ thiện - xã hội mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH nhằm góp phần bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội…

Cùng với đó, cán bộ tín dụng chính sách đã thường xuyên bám địa bàn, sát dân, triển khai đầy đủ các chính sách quyết định mới về tín dụng ưu đãi như việc nâng mức vay, kéo dài hạn vay đối với hộ nghèo, hộ tái nghèo hay ưu tiên về lãi suất vay đối với các gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh cho vay kịp thời người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động theo nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19.

Từ nét nổi bật về tăng trưởng dư nợ và khơi thông dòng chảy nguồn vốn tín dụng của NHCSXH mà người nghèo và các đối tượng chính sách ở Bạc Liêu được hưởng lợi nhiều, có thêm điều kiện để chủ động khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, đạt kết quả.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai thực hiện với mục tiêu chung đề ra là tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đi cùng với đó là tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định 61, Nghị định 74 và các văn bản có liên quan. Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, khoản 10, Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và các văn bản liên quan. Kế hoạch thực hiện theo nhu cầu của học sinh, sinh viên đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch. Kế hoạch thực hiện theo nhu cầu thực tế, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng.

Tiếp tục triển khai cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ. Và một nhiệm vụ quan trọng khác được NHCSXH tỉnh tập trung thực hiện tốt chính là kịp thời hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022 - 2023) đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH tỉnh giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023 theo quy định của Chính phủ. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022 - 2023) đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm của nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương…

Tất cả những chính sách hỗ trợ trên sẽ được tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tập trung thực hiện tốt trong năm 2022 với mục tiêu “xóa trắng” hộ nghèo và giảm nghèo bền vững.

ThS. Trần Trọng Triết