Chuyên gia dự báo giá dầu trung hạn vẫn ở mức cao

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:44, 14/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù giá dầu thế giới đã giảm trở lại trong tuần vừa qua, nhiều chuyên gia vẫn dự báo giá dầu trong trung hạn vẫn ở mức cao. Không nằm ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu của Việt Nam cũng mới được điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Thông tin được tổng hợp trong bản tin kinh tế - tài chính vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) công bố cho thấy, tại Việt Nam, giá xăng liên tục được điều chỉnh lần thứ 6 liên tiếp vào ngày 11/3 vừa qua. Cụ thể: giá xăng E5RON92 tăng thêm 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tăng, gồm dầu diesel tăng thêm 3.940 đồng/lít, lên mức 25.260 đồng/lít; dầu hỏa lên mức 23.910 đồng/lít.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít, dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít, dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg.

Trong khi đó, giá dầu thế giới cũng liên tục leo thang, lên cao nhất vào ngày 8/3/2021 khi Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga do xung đột tại Ukraine. Quyết định này của Mỹ được sự ủng hộ của Anh ngay sau đó. Dầu Brent đã tăng lên 131 USD/thùng khi Mỹ ban hành lệnh cấm. Dầu WTI cũng tăng lên 127 USD/thùng.

Đến nay, giá dầu đã tăng trên 45% so với cuối năm ngoái và tăng gần 18% kể từ khi xảy ra xung đột. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, giá dầu đã hạ nhiệt, giảm gần 5,5% so với tuần trước đó sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine. Cùng với đó, ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu năng lượng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là động thái tạm thời hỗ trợ giá dầu mỏ và nhiều nhận định bi quan vẫn được đưa ra.

“Các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ vẫn ở mức cao ít nhất là trong tương lai gần và nhiều tổ chức đã điều chỉnh tăng dự báo giá dầu”, bản tin của MSB Research viết.

Cụ thể, Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho hay 125 USD/thùng – mức dự báo ngắn hạn đối với dầu Brent - là mức trần “mềm” cho giá dầu, con số trên có thể tăng cao hơn nữa. Ngoài ra, tình hình căng thẳng gia tăng trong thời gian dài ở Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent lên trên 150 USD/thùng.

Hay các nhà phân tích tại Ngân hàng Bank of America (Mỹ) cũng ước tính, nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày hoặc cao hơn. Việc này có thể đẩy giá lên tới 200 USD/thùng.

Còn Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, thế giới có thể phải đối mặt với một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến nay, khi căng thẳng Nga - Ukraine chưa đi đến hồi kết và các nước phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Moskva. Trong báo cáo mới nhất, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 lên 135 USD/thùng, tăng từ mức 98 USD/thùng trước đó.

Cũng theo MSB Research, một vấn đề nữa đặt ra là nếu nguồn xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga bị giảm, các nước sẽ mất nhiều thời gian và tiền của để tìm nguồn thay thế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này cung cấp 8 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường toàn cầu. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu, trong khi đó chỉ có 2% tới Anh và 8% tới Mỹ. Khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga tới Trung Quốc.

Các nhà phân tích phương tây ước tính, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đã giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày và có thể giảm thêm 2 triệu thùng/ngày trong tuần tới. Các thành viên OPEC có thể cung cấp tăng sản lượng dầu cao hơn là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), ở mức độ thấp hơn là Kuwait và Iraq. Song, với tổng công suất dự trữ ước tính chỉ từ 2,5- 3 triệu thùng/ngày, sản lượng này sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu của Nga.

Về lý thuyết, giá dầu sẽ giảm nếu các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dự trữ sẽ hạn chế khả năng điều động của các nước sản xuất dầu trong trường hợp nguồn cung gián đoạn và việc định giá sẽ phải tính đến điều này. Kể cả khi các nước vùng Vịnh sử dụng đến nguồn dự trữ, giá dầu có thể không giảm nhiều và thị trường sẽ dễ bị tổn thương trước bất kỳ cú sốc gián đoạn nguồn cung nào mà không nhà cung cấp nào có thể giải quyết được.

Đồng thời, dịch bệnh hơn 2 năm qua đã khiến các nhà sản xuất dầu giảm đầu tư vào ngành này, khiến cho việc tăng sản lượng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo mới đây cảnh báo: “thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng”.

Lan Nguyễn