Kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 16:08, 16/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều tối ngày 15/3, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả với sự tham dự của gần 100 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp...

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông điệp lớn nhất của diễn đàn này là, Việt Nam đã chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch COVID-19. Về một số nội dung được nhiều doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không, cơ quan đại diện nước ngoài nêu ra, Phó Thủ tướng khẳng định chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông điệp lớn nhất của diễn đàn này là Việt Nam đã chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch COVID-19

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch. Về những khó khăn chưa từng có của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là những hộ dân tham gia làm du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhất là những doanh nghiệp lớn, cùng với người dân khơi lại tinh thần sáng tạo để làm tốt hơn nữa các khâu xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tạo môi trường du lịch… Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi mở cửa lại du lịch quốc tế cần đảm bảo hoạt động du lịch an toàn. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, các vấn đề về đảm bảo an toàn y tế, thủ tục xuất nhập cảnh, hộ chiếu vắc xin, chính sách thị thực, khôi phục đường bay… cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành liên quan.

Công tác triển khai mở cửa cũng cần linh hoạt, thích ứng với điều kiện của từng địa phương, không áp dụng cứng nhắc kế hoạch mở cửa giống nhau khi những địa phương còn có cấp độ dịch khác nhau. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhân lực du lịch cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm du lịch, vì thế ngành du lịch phải tìm biện pháp nhanh chóng thu hút các lao động có kinh nghiệm để số lượng và chất lượng của lực lượng này có thể đáp ứng với tốc độ tăng trưởng của du khách. Về công tác truyền thông và quảng bá xúc tiến du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các hoạt động đặc biệt quan trọng này cần được phối hợp với địa phương, doanh nghiệp du lịch và hàng không thực hiện khẩn trương, kịp thời, rõ ràng và đồng bộ. Theo đó, tăng cường quảng bá trên các nền tảng số và ứng dụng công nghệ mới để khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin, từ đó có thể quyết định đi du lịch Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ VHTTDL cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các công tác liên quan, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế...

Hội nghị diễn ra kết hợp trực tiếp và trực tuyến với gần 300 điểm cầu

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nêu một số giải pháp ưu tiên sẽ triển khai trong thời gian tới. Theo đó, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả. Các vấn đề quan trọng và được quan tâm nhất ở thời điểm này về an toàn du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh cho khách du lịch, hay nâng cao hiệu quả kết nối hàng không… đều cần sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan.

Bộ VHTTDL cũng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi động lại hoạt động kinh doanh, kết nối đối tác, lựa chọn thị trường khách và phát triển sản phẩm... Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch quốc tế, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Bộ sẽ tăng cường hợp tác với các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tận dụng thế mạnh của mạng lưới của các cơ quan đại diện, với vai trò là cầu nối, đại sứ du lịch nhằm thông tin và hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam. Về nhân lực du lịch sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích nguồn nhân lực có kinh nghiệm quay trở lại ngành.

Đối với chính sách dài hạn, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và dịch chuyển lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch. Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, đòi hỏi thị trường cần có sự nhạy bén để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới. Cạnh đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hoá và phát triển các sản phẩm mới cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động du lịch ngưng trệ trong thời gian dài đã khiến nhiều cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp, đòi hỏi nguồn lực để nâng cấp, bảo đảm chất lượng phục vụ du khách... Để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách và xu hướng du lịch “hạn chế tiếp xúc”, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương, hỗ trợ công tác kiểm soát du lịch an toàn và quảng bá số.

T.Dũng