Du lịch mở cửa trở lại, nhóm cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 12:08, 17/03/2022
Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch
Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 16% so với năm trước và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%. Ngành Du lịch gần như trải qua giai đoạn hoàng kim nhất khi tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam vượt trội so với mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á -Thái Bình Dương (4,6%). Thị trường châu Á tiếp tục đóng góp lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam với 80%, dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch trong GDP tiếp tục cải thiện trong năm 2019 với 9,2%.
Theo báo cáo của Diễn dàn kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đã tăng 12 bậc, xếp hạng 75 từ năm 2015 lên hạng 63 vào năm 2019.
Tưởng chừng như bức tranh tươi sáng của ngành du lịch sẽ được vẽ tiếp vào năm 2020 tuy nhiên sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 (từ cuối năm 2019) đã trở thành yếu tố kéo lùi đà phát triển của ngành xuyên suốt giai đoạn 2020 - 2021.
Theo kế hoạch ban đầu, ngành du lịch dự kiến đón 20 triệu lượt khách trong năm 2020 và nếu tính riêng trong tháng 1/2020, Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục với 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam đã dừng mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3/2020. Số lượt khách quốc tế trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 79% so với năm 2019. Khách du lịch nội địa cũng thu hẹp về 56 triệu lượt. Trong khi đó, tổng thu từ ngành du lịch chỉ đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 59%.
Bước sang năm 2021, ngành du lịch tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa từng có với ảnh hưởng của các biến chủng mới cũng như sự chặt chẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 157.300 lượt, giảm 96% so với năm 2020. Lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt còn tổng thu từ du lịch thu hẹp về mức 180 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng với hơn 90% đơn vị dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh cũng như cắt giảm nhân sự. Năm 2021, hoạt động lưu trú du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với công suất phòng trung bình cả năm chỉ đạt 5%. Số lượng lao động trong ngành Du lịch toàn thời gian chỉ còn tương đương 25% so với cả năm 2020.
Khả năng phục hồi nhanh chóng
Bắt đầu từ quý III/2021, Việt Nam chủ động tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ứng phó với làn sóng bùng phát COVID-19 lần thứ 4, song song với chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, chỉ trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên (8/3/2021) đến ngày 6/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%. Trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%. Với chiến lược đúng đắn trong công tác tiêm chủng, số ca nhiễm nặng của Việt Nam giảm dần và tạo điều kiện tiến đến trạng thái “bình thường mới”.
Từ giữa tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa thể thao và du lịch. Bộ cũng ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa với “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”, qua đó bắt đầu thúc đẩy sự hồi phục của ngành Du lịch. Nếu như trong tháng 10 số lượng khách nội địa chỉ đạt 750 lượt thì con số này trong 2 tháng cuối năm 2021 lần lượt là 2.500 lượt và 5.250 lượt.
Khác với khách nội địa, ngành du lịch tiếp cận thận trọng với khách quốc tế với nhiều giai đoạn. Từ tháng 11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại một số vùng du lịch trọng điểm. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, nếu như số lượt khách quốc tế trong tháng 11 là 400 thì quy mô trong tháng 12/2021 đã tăng lên 3.500 lượt.
Sau khoảng thời gian thí điểm, ngày 15/3, ngành du lịch đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn khi Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn, trong điều kiện bình thường mới, cả với khách nội địa và khách quốc tế.
Tổng cục Du lịch cho biết, 2 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa đã đạt khoảng 17,6 triệu lượt với tổng thu ước đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng tới trên 300% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, kể từ cuối tháng 11 năm ngoái đến nay, đã thu hút hơn 10.000 lượt khách quốc tế.
Đại diện Tổng cục Du lịch đánh giá, đây là tín hiệu cho thấy, du lịch là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề, tuy nhiên, sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng, nếu chúng ta có phương thức phù hợp.
Với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch tuy nhiên có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi?
Ngành Du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành; lưu trú du lịch (khách sạn, resort,..); vận tải du lịch.
Các chuyên gia của CTCK SSI lưu ý, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Đối với nhóm du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. SSI Research chỉ ra các cổ phiếu đáng chú ý gồm có VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành Thành Công), CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh). Tuy nhiên, SSI cho rằng việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.
Đối với nhóm lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi bao gồm DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Đối với nhóm vận tải du lịch, đây là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển… Tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này đồng thời chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.
Các cổ phiếu hưởng lợi bao gồm HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (CTCP Vận tải Đường sắt Sài gòn), HRT (CTCP Vận tải Đường sắt Hà nội). Ngoài ra, nhóm dịch vụ hàng không là ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ qua trình hồi phục sau dịch.