Điều kiện "cần và đủ" để phục hồi du lịch
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:29, 20/03/2022
Quan điểm trên được các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Mở cửa du lịch hậu COVID, những vấn đề nóng cần giải quyết" do VNEconomy tổ chức ngày 20/3. Tọa đàm có sự tham dự của: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh; ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel; ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ambassador Cruise; bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sunworld Tập đoàn Mặt trời.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm |
Ngân hàng đã đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, quyết định của Chính phủ mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch trở lại vào ngày 15/3 là một quyết định hết sức đúng đắn trong bối cảnh tiêm mũi bổ sung (mũi thứ 3) vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi. Do đó điều kiện để mở cửa du lịch rất phù hợp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng nhận định, trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế nói chung và doanh nghiệp du lịch. Thậm chí có thể thấy rằng, doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó nhóm doanh nghiệp này đang rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã kịp thời đồng hành và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch, vận tải, hàng không nói riêng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN để cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để đảm bảo khách hàng có điều kiện vay mới trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sunworld Tập đoàn Mặt trời chia sẻ đã được các ngân hàng lớn tại Việt Nam đồng hành tốt trong 2 năm qua.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ambassador Cruise cũng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh tàu ở Hạ Long như Ambassador Cruise cũng đã được hỗ trợ tốt từ ngân hàng.
Với sự hỗ trợ tốt từ ngành Ngân hàng, ông Hoàng Anh Dũng cho biết, trong đại dịch, Ambassador Cruise vẫn không ngừng đầu tư về phát triển tàu và các mảng kinh doanh khác. "Chúng tôi đã đóng mới du thuyền gần 400 chỗ, dự kiến ra mắt vào tháng 7/2022. Đây là sự hỗ trợ lớn từ Hiệp hội Ngân hàng cũng như các ngân hàng thành viên", ông Hoàng Anh Dũng chia sẻ.
Đại diện cho TienPhong Travel, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty cũng đánh giá cao những hỗ trợ kịp thời từ phía ngành Ngân hàng đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch. "Như quý vị đã biết, Tổng cục du lịch đã đề nghị với ngân hàng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang đóng quỹ 500 triệu đồng được rút 80% về để bổ sung vào hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này tôi cho rằng hết sức kịp thời", ông Phùng Xuân Khánh chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được ngành Ngân hàng đồng hành và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các Ngân hàng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay vốn, tiếp cận vốn một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thời gian tới, doanh nghiệp du lịch có phương án kinh doanh có hiệu quả và trên cơ sở chia sẻ khó khăn của các tổ chức tín dụng, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp cận được vốn vay của ngân hàng để làm sao có thể phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Tại buổi tọa đàm, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng kêu gọi: "Các tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc NHNN, cùng các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cùng vượt qua đại dịch".
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến và trực tiếp |
Để du lịch an toàn và phát triển bền vững
Có thể nói, 2 năm COVID-19 vừa qua là quãng thời gian các doanh nghiệp, người hoạt động trong ngành du lịch phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. COVID-19 đã xóa đi thành quả, sự cố gắng, nỗ lực của hàng ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh..., trong lĩnh vực du lịch.
Do vậy, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quyết định cho phép mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch từ ngày 15/3 mới chỉ là "điều kiện cần". Còn "điều kiện đủ" để kinh doanh du lịch hiệu quả đó là doanh nghiệp phải đảm bảo cơ sở an toàn, thậm chí test định kỳ để xác định không có tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, các khu du lịch an toàn, với dịch COVID-19...
Các số liệu thống kê thực tế cho thấy, năm 2020, du lịch Việt bắt đầu lao dốc. So với năm 2019, Việt Nam mất 80% lượng du khách quốc tế; khách nội địa giảm 50%; ngành thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng.
Xét về bình diện vĩ mô, nếu như năm 2019, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch đối với GDP là 9,2% thì con số này trong các năm 2020 và 2021 lần lượt là 3,58% và 1,97%.
Năm 2021, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm đạt 32,3 triệu lượt (chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt (bằng 44% so với năm 2019).
Cơ sở lưu trú du lịch cũng bị tác động nặng nề. Qua thống kê cho thấy có đến 90% cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.
Số liệu thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm”, cả năm mới tiêu thụ được khoảng 120 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Hay đối với ngành hàng không, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày. Từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm và lỗ ngày càng lớn, năm 2021 số lỗ ước lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.
Vì vậy, với quyết định mở cửa toàn bộ thị trường du lịch trở lại từ ngày 15/3 được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng, góp phần “rã đông” cho ngành du lịch cả nước. Trước, trong và sau thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã sẵn sàng chuẩn bị cho các mùa du lịch trong năm.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này, ngành du lịch Quảng Ninh gần như sẵn sàng các điều kiện để chuẩn bị cho mùa hè, kỳ vọng mùa hè năm nay khi tình hình dịch được kiểm soát thì lượng khách nội địa sẽ rất tốt. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chuẩn bị đón khách nước ngoài. Dự kiến trung tuần tháng 4 sẽ đón các đoàn khách đến từ Hàn Quốc, tiếp đến là Ấn Độ...
Để đảm bảo an toàn cho du khách trong nước và quốc tế, ông Phạm Ngọc Thủy cho biết, Quảng Ninh đã xây dựng một bộ tiêu chí các cơ sở du lịch, khu du lịch an toàn, và các điều kiện an toàn, chỉ đơn vị đảm bảo an toàn thì mới được đón khách chứ không phải tất cả. Doanh nghiệp phải đảm bảo cơ sở an toàn, thậm chí test định kỳ để xác định không có tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, các khu du lịch an toàn, với dịch COVID-19…
"Để vừa đón khách, vừa hạn chế tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho cả hai bên, chúng tôi chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch an toàn kể cả về phương tiện, người, tiêu chí, không đặt vấn đề khách chỉ được đi một vài điểm nữa", ông Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Anh Dũng cho biết, toàn bộ nhà tàu của công ty đã chuẩn bị tương đối đầy đủ và đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và Sở du lịch đề ra. Đồng thời, ông Dũng cũng bày tỏ mong muốn: "Chính phủ và các ban, ngành có thể tăng thời gian miễn thị thực cho khách nước ngoài và mở rộng với các nước tiềm năng khác như các thị trường xa".
Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho rằng, để du lịch an toàn, khách du lịch cần thực hiện nghiêm quy định của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là 5K để đảm bảo sức khỏe. Còn với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, cần đào tạo, huấn luyện cho nhân viên của mình ứng phó với tình hình dịch, chuẩn bị đón khách và nên có đầu tư bài bản cho việc này.
"Còn Chính phủ, Tổng Cục du lịch, Bộ Y tế, cần phối hợp với nhau xây dựng "Sổ tay lữ hành" riêng cho phòng chống COVID-19 để các đơn vị, hướng dẫn viên, người làm công tác du lịch có sổ tay này thực hiện ...", ông Nguyễn Huy Nga khuyến nghị.