MSB Research: Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không nhiều

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:33, 21/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research), việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không nhiều là nhận định chung của các chuyên gia phân tích kinh tế.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Như đã đưa tin, ngày 16/3, Fed đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm, động thái nhằm giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng. Sau khi duy trì lãi suất cơ bản cố định gần mức 0 kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, Fed quyết định tăng 0,25 điểm % lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% – 0,5%.

Cùng với quyết định tăng lãi suất, Fed cũng dự kiến còn 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay.

Đồng thời, Fed cũng dự kiến tăng lãi suất thêm 3 lần nữa vào năm 2023 và không tăng vào năm sau đó.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp kéo dài 2 ngày rằng kinh tế Mỹ đủ mạnh để vượt qua các đợt tăng lãi suất và duy trì mức tăng trưởng tiền lương cũng như tuyển dụng mạnh mẽ hiện tại, trong khi Fed cần tập trung vào việc hạn chế tác động của tình trạng giá cả leo thang đối với các gia đình Mỹ. Lạm phát hằng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo được Fed sử dụng, đạt 6,1% vào tháng 1/2022, gấp ba lần mục tiêu trung bình hằng năm của Fed là 2%.

Trong bản tin tổng hợp kinh tế- tài chính tuần từ ngày 14-18/3 vừa công bố, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho biết, giới chuyên gia nhận định, mức độ ảnh hưởng của sự kiện này tới Việt Nam là không lớn, khi quan tâm tới các yếu tố như tỷ giá, lãi suất, dòng vốn đầu tư. Việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên; sẽ tác động một phần vào tỷ giá vì USD tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ. Lãi suất sẽ chịu áp lực tăng để thu hút vốn.

Bên cạnh đó là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn sẽ về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn.

Cụ thể hơn, về mặt tỷ giá, các nhà phân tích cho rằng, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước. Các yếu tố liên quan đến tỷ giá trong nước đều đang thuận lợi: quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao kỷ lục là tấm nệm an toàn khá vững chắc cho nền kinh tế; cán cân thanh toán thặng dư; nguồn kiều hối ổn định, ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm; giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh; việc điều hành tỷ giá của NHNN những năm gần đây tương đối linh hoạt, nhịp nhàng, ngày càng sát hơn với thị trường.

Về mặt bằng lãi suất, có khả năng lãi suất tại Việt Nam sẽ nhích lên trong năm 2022, tuy nhiên điều này ít liên thông với tác động đến từ việc Fed tăng lãi suất cơ bản mà chủ yếu do nhu cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh tăng sau khi Chính phủ cho phép mở cửa nền kinh tế.

Thực tế, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, NHNN cũng phát đi thông điệp về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Cụ thể, NHNN hiện đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Trong báo cáo của mình, các chuyên gia của MSB Research đưa ra đánh giá khả năng dịch chuyển vốn khỏi Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Kết quả hoạt động kinh tế năm qua cũng như những dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 là một yếu tố quan trọng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đã đạt 2,58% và dự báo có thể phục hồi lên mức 6,5 - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dự báo sẽ chỉ quanh mức 3,4 - 3,7% trong năm 2022. Thực tế, dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức ổn định trong 2 tháng đầu năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bản tin của MSB Research cho biết, trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều biến động, đặc biệt là các động thái của các NHTW lớn và những chính sách liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Việc duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành Việt Nam để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Giới chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022, tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra; NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm.

Ngô Hải