Ứng dụng dữ liệu để đột phá trong kỷ nguyên số

Công nghệ - Ngày đăng : 22:11, 24/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh tác động của COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong nền kinh tế số, dữ liệu được xem là chìa khóa vàng, là “dầu mỏ” để tạo đột phá trong xây dựng kinh tế số. Dữ liệu sẽ không ngừng phát triển và thôi thúc các doanh nghiệp tăng cường năng lực xử lý, phân tích biến dữ liệu thành các giá trị.

 

Ngày 24/3, FBSP (FTU Business Support Platform) tổ chức hội thảo “Ứng dụng dữ liệu số để đột phá trong kinh tế số” với mục đích trao đổi và định hướng cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển nhờ vào tài nguyên dữ liệu.

Dữ liệu và vai trò cốt lõi trong nền kinh tế số

“Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn đi sâu vào thực trạng và cần phải đẩy nhanh tốc độ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau” PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp – Trường Đại học Ngoại thương nhận định.

Trong những năm gần đây, những tiến bộ vượt bậc của con người về khả năng xử lý các tập dữ liệu lớn, về điện toán nhận thức, được sự trợ giúp của công nghệ đám mây đã mang lại cho con người khả năng khai phá dữ liệu chưa từng có, phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải trí, học tập và y tế cho con người.

Dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số; đồng thời làm thay đổi hoàn toàn cách lưu chuyển thông tin, từ đó giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch, qua đó tác động đến tính minh bạch, hiệu quả, công bằng, cạnh tranh.

Dữ liệu đang trở thành phương thức phát triển mới, giúp tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, góp phần quan trọng đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Dữ liệu là một loại “tài nguyên” đặc biệt, quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị. Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của nền kinh tế số là tạo ra một cơ chế khai thác giá trị, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tối ưu nhất. Vì lẽ đó, trong tiến trình thực hiện tầm nhìn chiến lược về nền kinh tế số của các quốc gia, một trong những bước đầu tiên được triển khai là xây dựng và thực thi chiến lược về dữ liệu mở.

“Khi muốn thay đổi một công thức có tính chất sáng tạo hơn của một tổ chức cần có hai thứ, một là công nghệ mới, hai là phân tích dữ liệu”, PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế – Học viện Bưu chính Viễn thông, chuyên gia Dữ liệu - chia sẻ. “Dữ liệu rất đa dạng, tuy nhiên để chuyển nó thành có giá trị thì phải xem dữ liệu là tài sản”

Các chuyên viên trong lĩnh vực dữ liệu, phân tích dữ liệu thảo luận về “Ứng dụng dữ liệu số để đột phá trong kinh tế số”

Phân tích dữ liệu tạo sự gia tăng trải nghiệm khách hàng trong ngành Ngân hàng

Hành trình trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể hơn, được xác định từ cuộc gặp gỡ ban đầu khi người dùng cố gắng tìm hiểu về các sản phẩm mà ngân hàng cung cấp, cùng các kênh giao tiếp có phù hợp không, cho đến việc bắt đầu đăng ký, làm quen, sử dụng và dần trở nên gắn kết và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ khác mà ngân hàng mang đến.

Để tạo ra được một hành trình trải nghiệm hoàn hảo và xuyên suốt, các doanh nghiệp phải bắt tay vào xây dựng bản đồ hành trình của khách hàng – một bản trình bày trực quan giúp kể lại câu chuyện về trải nghiệm của khách hàng với doanh nghiệp tại mọi điểm chạm trên các kênh từ offline đến online: email, mạng xã hội, livechat, tổng đài hỗ trợ, cửa hàng đại diện,… Đặc biệt hơn, với mức độ đa dạng về các loại dịch vụ mà ngân hàng cung cấp và mức độ số hoá các kênh cung cấp dịch vụ, mà số lượng hành trình trải nghiệm của khách hàng cũng nhiều và đa dạng hơn.

So với việc cá nhân hóa tiêu chuẩn, các doanh nghiệp sẽ sử dụng các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu để cung cấp các thông điệp marketing và bán hàng được cá nhân hóa đến từng phân khúc khách hàng khác nhau, các chương trình khuyến mại hoặc sản phẩm dịch vụ ở mức độ “siêu cá nhân hóa” tới cho từng khách hàng. Các ngành có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao như ngân hàng-tài chính, viễn thông, bán lẻ có thể đạt được mức độ siêu cá nhân hóa bằng cách sử dụng kết hợp phân tích dự đoán, AI và học máy để theo dõi dữ liệu sử dụng thời gian thực của khách hàng cá nhân, chẳng hạn như cụm từ họ thường tìm kiếm, nội dung họ thích xem, vị trí địa lý của họ, thói quen tiêu dùng chi tiêu và các địa điểm phát sinh chi tiêu của họ...

"Sau khi được trang bị những thông tin này, các ngân hàng có thể đưa ra các chiến dịch marketing và ưu đãi hướng mục tiêu chính xác hơn", ông Đặng Lê Trung, Tổng Giám đốc Công ty Real Time Analytics nhận định.

Minh Ngọc