Phó Chủ tịch VNBA Trần Văn Tần làm việc với Hiệp hội Ngân hàng châu Phi
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 16:09, 25/03/2022
Buổi tiếp, làm việc giữa VNBA và Hiệp hội Ngân hàng châu Phi |
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch VNBA Trần Văn Tần đã giới thiệu sơ lược mô hình tổ chức và hoạt động của VNBA. Ông Trần Văn Tần cho biết, VNBA được thành lập từ năm 1994, đến nay sau gần 30 năm hoạt động đã có 73 tổ chức hội viên, trong đó 61 hội viên chính thức, 9 hội viên liên kết, 3 hội viên danh dự. Cơ cấu thành phần hội viên gồm các ngân hàng thương mại trong nước, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công ty tài chính, công ty Fintech và một số tổ chức khác.
VNBA có Hội đồng Hiệp hội gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 10 thành viên; Cơ quan thường trực – cơ quan trực tiếp tổ chức, triển khai các hoạt động của Hiệp hội và các tổ chức trực thuộc như Chi hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Fintech, Câu lạc bộ AMC.
Chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ của VNBA, ông Trần Văn Tần cho biết VNBA thực hiện việc tập hợp các tổ chức hội viên, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các TCTD hoạt động tại Việt Nam.
Về quan hệ hợp tác quốc tế, VNBA là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, trong đó Chủ tịch VNBA là thành viên Hội động Hiệp hội Ngân hàng ASEAN. VNBA cũng đã ký kết và tham gia hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp hội Ngân hàng Hàn Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Nga, Hiệp hội Ngân hàng Đài Loan (Trung Quốc)… “Đối với châu Phi, VNBA chưa có quan hệ hợp tác. Tôi hy vọng, sau cuộc làm việc sẽ mở rộng quan hệ hợp tác giữa VNBA và Hiệp hội Ngân hàng châu Phi nói chung, các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng châu Phi nói riêng”, ông Trần Văn Tần nói.
Giới thiệu về cơ cấu và tổ chức Hiệp hội Ngân hàng châu Phi, ông Sylvère Bankimbaga – Phó Chủ tịch cho biết, Hiệp hội được thành lập vào năm 1989, đến nay gồm có khoảng 50 CEO, lãnh đạo cấp cao ngân hàng từ 20 quốc gia thuộc châu Phi. Hiệp hội có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và một số thành viên ban thư ký. Hằng năm, Hiệp hội tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn lớn, trong đó có thể kể đến như sự kiện gặp gỡ, trao đổi thực trạng hoạt động, thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi (vào tháng 2); diễn đàn giao lưu, trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các định chế tài chính ngoài châu Phi (vào tháng 6); hội nghị dành cho các trường đại học châu Phi…Ông Sylvère cho biết thêm, diễn đàn tổ chức vào tháng 6 tới đây (ngày 23-25 tại Burundi) dự định sẽ mời thêm nhiều tổ chức, định chế tài chính ngoài châu Phi tới tham dự. “Việt Nam cũng là một thành viên thuộc cộng đồng Pháp ngữ, vì vậy chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như các ngân hàng thành viên có thể tham gia sự kiện này để tiếp xúc, tìm hiểu, mở ra cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ giao dịch ngân hàng giữa châu Phi và Việt Nam”, ông Sylvère bày tỏ.
Ghi nhận đề xuất từ phía Hiệp hội Ngân hàng châu Phi, ông Trần Văn Tần cho biết sẽ báo cáo Chủ tịch VNBA và Cơ quan thường trực sẽ là đầu mối tiếp tục liên hệ và thực hiện các công việc tiếp theo sau khi nhận được Giấy mời chính thức từ Hiệp hội Ngân hàng châu Phi. Ông Trần Văn Tần đề nghị Hiệp hội Ngân hàng châu Phi cung cấp thêm thông tin về hệ thống và hoạt động của ngân hàng châu Phi cũng như thị trường châu Phi cho các ngân hàng Việt Nam thông qua VNBA. Trên cơ sở trao đổi thông tin giữa hai bên, sau đó có thể xây dựng biên bản ghi nhớ các nội dung hợp tác, từ đó để triển khai.