Doanh nghiệp F&B sẽ tiếp tục phân hóa trên đường đua lợi nhuận 2022

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:43, 28/03/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ 15/3 và không còn hạn chế nào cho tất cả các loại hình kinh doanh nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức trên 70% dân số. Nhờ đó, tiêu thụ thực phẩm, đồ uống nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch bệnh trong năm 2022. Tuy nhiên, CTCK Mirae Asset cho rằng, đà phục hồi của thị trường F&B sẽ bị cản trở bởi chiến sự Nga – Ukraine khi giá cả leo thang, tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Nỗ lực phục hồi hậu COVID-19 trong quý I/2022 dưới ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị

Tỷ lệ dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 của Việt Nam đã đạt mức 71% dân số tại thời điểm cuối năm 2021, vượt qua mức mục tiêu để có được miễn dịch cộng đồng 70%. Trên cơ sở thành tựu này, chính phủ Việt Nam đã dần dần mở cửa nền kinh tế từ đầu năm 2022 và đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống du lịch nội địa cũng như quốc tế kể từ ngày 15/3/2022. 

Giá nguyên liệu thực phẩm đang ở mức cao hơn so với trung bình 2021

Tuy nhiên một lần nữa đà phục của hồi sức tiêu thụ các sản phẩm F&B của Việt Nam tiếp tục bị cản trở khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ từ giữa tháng 2/2023. Nga và Ukraina là hai quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất châu Âu. Không chỉ vậy, Nga còn là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt, dầu hạt hướng dương, phân bón và sắt thép lớn trên thế giới. 

Giá phân bón đang ở mức cao nhất thập kỷ do ảnh hưởng từ chiến sự.

Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ trước tác động trực tiếp từ chiến tranh và gián tiếp từ các lệnh cấm vận mà Mỹ, Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu áp dụng lên Nga. Lúa mỳ, đậu tương, bơ, ngô... và các hàng hóa thực phẩm cơ bản khác đều tăng phi mã lên mức cao nhất trong hàng chục năm qua. Ngoài ra, giá phân bón cao kỷ lục cũng đẩy giá thực phẩm trong ngắn hạn lên mức cao mới.

Phân hóa trên đường đua lợi nhuận 2022 

Sự phục hồi hậu COVID-19, chiến tranh Nga – Ukraine và lạm phát sẽ là 3 nhân tố chính tác động lên các doanh nghiệp F&B Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, sự phục hồi hậu COVID-19 có tác động tích cực lên đa số các nhóm doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, lạm phát, sự tăng giá của nguyên liệu thực phẩm gây áp lực lên tất cả các nhóm ngành. Cuối cùng, chiến sự Nga - Ukraine và căng thẳng thương mại thế giới hậu chiến tranh sẽ tạo nên sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp F&B. 

“Xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu lương thực là hai nhóm doanh nghiệp F&B có cơ hội gia tăng lợi nhuận tốt nhất năm 2022”, ông Nguyễn Tiến Đức, chuyên gia phân tích tại Mirae Asset nhận định.

Dự phóng xu hướng lợi nhuận 2022 của các nhóm doanh nghiệp F&B.

Theo đó, hai quốc gia Nga và Ukraine xuất khẩu 26% lúa mỳ và 7% cá của thế giới. Chiến tranh giữa hai nước này và các lệnh cấm vận hậu chiến sẽ làm gián đoạn nguồn cung bột mỳ dẫn tới nhu cầu nhập khẩu hai sản phẩm này từ các khu vực khác trên thế giới tăng lên kèm theo giá tăng. 

Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cá minh thái từ Nga. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các thủy sản thay thế sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, thiếu hụt lúa mỳ là thực phẩm chính của thế giới sẽ dẫn đến nhu cầu cho lương thực thay thế là gạo Việt Nam được hưởng lợi. Trong nhóm này, đáng lưu ý là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC); CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR),  CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG).

Đồ uống là nhóm nằm trong tốp tiếp theo có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận. Chuyên gia Mirae Asset tin rằng, tiêu thụ đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn sẽ không bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách như năm 2021. Hơn nữa, tiêu thụ đồ uống nhiều khả năng sẽ tiếp cận lại gần mức trước COVID-19 khi du lịch quốc tế đến Việt Nam đã được chính thức nối lại từ ngày 15/3/2021. 

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của nhóm đồ uống sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có malt, hương liệu, đường, nhôm và nhựa. Trong nhóm này đáng lưu ý là CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB), CTCP Masan Consumer Holdings (MCH); Tập đoàn Dabaco (DBC).

Quỳnh Dương