Thực phẩm Hà Nội chốt danh sách xin ý kiến cổ đông để tăng vốn điều lệ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:23, 31/03/2022
|
Theo đó, ngày chốt danh sách là 8/4/2022 và thời gian xin ý kiến trong tháng 4/2022. Trước đó, công ty cũng công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc góp vốn vào Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bắc Qua khi Công ty này thực hiện tăng vốn điều lệ từ 42 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Số vốn mà Thực phẩm Hà Nội góp thêm vào công ty Bắc Qua là 41,8 tỷ đồng. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng thông qua việc vay vốn của Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro (mã chứng khoán HTM) số tiền 41,8 tỷ đồng để góp vốn tại Công ty Bắc Qua.
Theo hồ sơ IPO vào năm 2015, tuy chỉ có vốn điều lệ 145 tỷ đồng nhưng công ty nắm giữ nhiều cơ sở nhà đất nằm ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội: 11 trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích; 8 cơ sở khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống; 5 cơ sở kinh doanh… Ngoài ra còn có cơ sở nhà đất khác nằm ở 2 công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua (Thực phẩm Hà Nội nắm giữ 53% vốn) và Công ty cổ phần Thương mại Lãng Yên (Thực phẩm Hà Nội nắm giữ 51% vốn), ví dụ như dự án 19 Hàng Khoai của Công ty cổ phần Bắc Qua và dự án 21 Trần Khánh Dư của Công ty Lãng Yên.
Hiện, Thực phẩm Hà Nội đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng một số dự án như dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tại số 54 ngõ 459 Bạch Mai với tổng mặt bằng 2.085 m2, tổng diện tích xây dựng gần 7.400 m2, hình thức là hợp đồng hợp tác kinh doanh; dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng tại số 249-253 Phố Vọng, tổng mặt bằng 3.255 m2; dự án số 26 Cao Thắng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) diện tích hơn 300 m2, tổng diện tích sàn xây dựng gần 1.000 m2.
Công ty cổ phần vàng bạc đá quý DOJI là cổ đông chiến lược nắm giữ 22% vốn điều lệ của Thực phẩm Hà Nội từ khi IPO. Vào tháng 7/2021, DOJI đã thoái vốn và Văn Phú Invest thế chân DOJI. Tuy nhiên, ngay sau đó, Văn Phú Invest lại thoái hết vốn và đến nay chưa thấy công bố ai là bên mua số cổ phiếu nói trên.