Khơi thông tín dụng ngân hàng tại tỉnh Thanh Hóa

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:17, 01/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 1/4/2022, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và Người dân, nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hội nghị do bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam và ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì.

Hội nghị do bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam và ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì

Tham dự Hội nghị còn có: Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; lãnh đạo các vụ, cục NHNN; lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện các sở, ban, ngành của địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và các TCTD.

Tại Hội nghị, các ngân hàng cam kết cấp tín dụng lên tới 21.055 tỷ đồng cho các dự án của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa. Qua đó khẳng định các TCTD luôn ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Ngành Ngân hàng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp tại Thanh Hóa

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh bình thường mới, hỗ trợ khôi phục và phát triển kinh tế, ngành Ngân hàng với vai trò và nhiệm vụ của mình trong thời gian qua đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch COVID-19; điều hành tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. "Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,82%/năm trong năm 2021 (năm 2020 giảm 1%/năm)", Phó Thống đốc chia sẻ.

Về tín dụng, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhưng với các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng ngay từ đầu năm và đến cuối năm tăng 13,61% so với cuối năm 2020; đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, ngành Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Để phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Lũy kế giá trị nợ các TCTD đã cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ từ ngày 23/1/2020 đến nay là trên 680 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới các TCTD để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp.

Nhờ đó, mạng lưới hoạt động các TCTD tiếp tục được mở rộng, quy mô huy động và tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng trưởng qua các năm, đứng thứ 3/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền trung; đến nay, dư nợ trên địa bàn đạt khoảng 157.750 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp (hiện có 5.660 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 47.302 tỷ đồng).

Các chương trình, chính sách tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả (dư nợ đạt 49.465 tỷ đồng, chiếm 32,57% tổng dư nợ... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 247 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ đến cuối tháng 2/2022 đạt 10.965 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong hơn 2 năm qua, các TCTD trên địa bàn triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tính đến ngày 28/2/2022, các TCTD đã: (i) Cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm lãi cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm); (iii) Cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 28/2/2022 là 68.082 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Tại hội nghị cũng đã ghi nhận ý kiến phát biểu của đại diện các ngân hàng thương mại có quan hệ tín dụng lớn tại Thanh Hóa như: Agribank, Vietcombank, ACB... Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Agribank tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Thuần Phong cho biết, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn hệ thống, đến thời điểm ngày 31/1/2022, trên địa bàn còn 17,24% dư nợ tín dụng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các TCTD trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các biện pháp của khối các NHTM Nhà nước, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 3.276 khách hàng với tổng giá trị nợ là 5.092 tỷ đồng. Riêng 3 chi nhánh Agribank đã hỗ trợ cho 392 khách hàng với dư nợ cơ cấu 1.446 tỷ đồng; đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với 270 ngàn khách hàng, dư nợ 44 nghìn tỷ đồng, số lãi giảm 231 tỷ đồng; cho vay các chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất với doanh số hơn 5 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ hơn 20 tỷ đồng...

Còn theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến mọi ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã tiên phong trong việc triển khai các giải pháp để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch. "Trong bức tranh chung của ngành Ngân hàng, Vietcombank cũng có những đóng góp quan trọng trong việc tiên phong các giải pháp của ngành Ngân hàng như: cơ cấu lại nợ; giảm, miễn lãi và phí... Trong năm 2021, Vietcombank đã giảm và miễn phí cho khách hàng với số tiền là 7.100 tỷ đồng, hay triển khai các chương trình an sinh xã hội với quy mô lên tới 720 tỷ đồng...", ông Phạm Quang Dũng chia sẻ.

Đại diện cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc ACB tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước tác động của dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, các ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tranh thủ nguồn vốn điều hòa từ hội sở để đẩy mạnh cho vay đến mọi đối tượng khách hàng, nhất là các ngân hàng chú trọng đến phân khúc bán lẻ. Nhiều chi nhánh ngân hàng TMCP đã sớm vào cuộc, triển khai thực hiện tốt Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 của NHNN; tập trung triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay, phí dịch vụ, tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những dự án khả thi, nhu cầu vốn lưu động để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh... Đến cuối tháng 2/2022, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của khối các ngân hàng TMCP đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, chiếm thị phần gần 31% toàn hệ thống; tổng dư nợ của khối ngân hàng TMCP đạt 38,5 nghìn tỷ đồng, chiếm thị phần 24,65% toàn hệ thống.

Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa, ông Lưu Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã kịp thời nhận được những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, sự đồng hành, chia sẻ của các TCTD. Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng và góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về những hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với các hộ kinh doanh cá thể tại Thanh Hóa, bà Lương Thị Thiết, hộ nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thức ăn chăn nuôi - xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết, gia đình bà la khách hàng truyền thống và luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Agribank đối với các nhu cầu về tín dụng. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của gia đình, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, của các cấp lãnh đạo địa phương cùng với sự đồng hành, chia sẻ của Agribank Nam Thanh Hoá đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng gia đình như: giảm lãi suất cho vay đối với các khoản còn dư nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi... đã góp phần hỗ trợ gia đình khắc phục khó khăn dần ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng

Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ngành Ngân hàng nhưng trước khó khăn cộng đồng doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa đang gặp phải, ông Lưu Văn Mạnh kiến nghị, ngành Ngân hàng xem xét giảm các điều kiện về tài sản bảo đảm, xem xét bổ sung danh mục tài sản được chấp nhận làm tài sản bảo đảm, tăng tỷ lệ cho vay so với tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu thông tin cung cấp phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị

Đại diện doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp trong ngành Dệt may đã liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất cầm chừng, giãn cách kéo dài, sản xuất "3 tại chỗ"… Hơn nữa, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng đột biến... đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng kiệt sức.

Với những khó khăn mà doanh nghiệp Dệt may đang phải đối mặt, ông Lâm kiến nghị ngành Ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay; bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng nên nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao.

Đại diện cho hơn 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, các ngân hàng cần xem xét các điều kiện tín dụng phù hợp với từng doanh nghiệp, ở từng địa phương và nên xem xét tăng thêm quyền quyết định hạn mức cho các chi nhánh và giao chi nhánh phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với Thanh Hóa từ 18-20% so với bình quân chung của cả nước là 14%, vì Thanh Hóa hiện nay là tỉnh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

"Làm sao để khơi thông được nguồn vốn giúp doanh nghiệp hết kêu “khổ” và ngân hàng hết kêu “khó”? Đã đến lúc Nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ trực tiếp cho chính các ngân hàng trong thời kỳ dịch bệnh, giúp các ngân hàng, các tổ chức tín dụng an tâm, vững tin tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý", ông Cao Tiến Đoan kiến nghị và nhấn mạnh: "Chỉ khi nào gỡ được “nút thắt” này thì mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng".

Để hộ kinh doanh cá thể có thể tiếp tục sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, bà Lương Thị Thiết đề nghị các ngành chức năng từ cấp tỉnh đến cấp huyện thường xuyên tổ chức thêm nhiều các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nuôi trồng hải sản, giới thiệu các mô hình sản xuất giỏi; các hội nghị giới thiệu sản phẩm, kết nối cung – cầu... để các hộ kinh doanh cá thể có thêm nhiều điều kiện giao lưu học hỏi, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Đối với ngành Ngân hàng, bà Lương Thị Thiết đề nghị: "ngành tiếp tục có các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2022, tạo điều kiện để chúng tôi phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh".

Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành Ngân hàng. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông Đỗ Trọng Hưng đề xuất, thời gian tới ngành Ngân hàng nên tiếp tục cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đến ngày 30/6/2023; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và Người dân.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ: tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đồng thời, tổng hợp những kiến nghị của đại biểu, các hiệp hội tại Hội nghị làm cơ sở chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn.

Thống đốc cũng đề nghị, các đơn vị trong ngành Ngân hàng phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau khi Nghị định được ban hành.

Về phía NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cùng các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của NHNN để tham mưu xử lý kịp thời.

Để ngành ngân hàng tiếp tục được góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía UBND tỉnh, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và các Sở, ngành tại địa phương, tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn. UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng trong triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp...

Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa, triển khai đồng bộ của các Sở, ban, ngành, cùng quyết tâm của các Hội, hiệp hội doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin rằng: "sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển và xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới".

Bảo Đăng - Ngô Hải