Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn, đưa dòng vốn đến doanh nghiệp và nền kinh tế

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:53, 04/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp là diễn đàn, cầu nối để ngân hàng-doanh nghiệp đến với nhau, chia sẻ những khó khăn, giải đáp thắc mắc, xử lý những kiến nghị. Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý có thể lắng nghe từ thực tiễn, hơi thở của cuộc sống của doanh nghiệp, từ đó có những chính sách, giải pháp nhằm đưa dòng vốn đến đúng địa chỉ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, kinh tế những tháng đầu năm đang dần hồi phục, có tín hiệu khởi sắc sau thời gian dài chịu tác động bởi dịch COVID-19. Vậy đây có là thời điểm phù hợp và cần thiết để NHNN phối hợp các địa phương tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Có thể nói, hội nghị là diễn đàn, cầu nối để ngân hàng-doanh nghiệp đến với nhau trực tiếp, chia sẻ những khó khăn, giải đáp những thắc mắc, xử lý những kiến nghị.

Trong bối cảnh năm 2022 nền kinh tế đang dần phục hồi tích cực, NHNN tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp tại các địa phương. Lần này chúng tôi tổ chức tại Thanh Hóa – là chương trình đầu tiên trong năm nay và năm tới. Trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau khó khăn bởi dịch.

Tình hình dịch đến nay cũng đã giảm bớt rất nhiều và các doanh nghiệp cũng đang khôi phục tích cực, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường và có những hoạt động sản xuất kinh doanh, chính vì thế nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao. Chỉ tính riêng quý I/ 2022, tín dụng cũng đã tăng 5,04% - một mức tăng có thể nói so với mấy năm vừa qua là rất cao, năm ngoái là khoảng 1,26%. Điều này chứng tỏ nền kinh tế có những khởi sắc, khôi phục một cách rất tích cực, thể hiện bằng việc tăng trưởng vốn và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Từ những yêu cầu đó, chúng tôi thấy cần khẩn trương tổ chức những Hội nghị kết nối như thế này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đề xuất những khó khăn vướng mắc, từ đó kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng và đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn cũng như tháo gỡ khó khăn trong thời gian dịch dài vừa qua.

Phóng viên: Trong hoạt động hàng ngày tại ngân hàng cũng đã trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và người dân. Đối với chương trình trực tiếp này có ý nghĩa nào sâu xa hơn, thưa ông?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tôi cho rằng hội nghị là một chương trình tạo sự thông cảm, chia sẻ hiểu biết mà không phải chỉ một doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, thậm chí đại diện cho các hiệp hội. Các hiệp hội đến dự rất đông, tổng hợp được tất cả những gì mang tính phổ thông, đại trà cho các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục, cả những nhu cầu từ chung đến riêng, chúng tôi cho rằng đây là diễn đàn rất hữu ích. Về phía ngân hàng cũng có cơ hội để tiếp cận được với khách hàng hơn, ngược lại, rất nhiều dự án lớn được kết nối thông qua những hội nghị như thế này.

Ví dụ như hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày 1/4 cũng đã có hơn 21.000 tỷ đồng được thực hiện ký kết và trao hợp đồng hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực cho những hoạt động kinh tế hiện nay.

Phóng viên: Tại hội nghị, bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại cũng đã trả lời rất nhiều câu hỏi trực tiếp của doanh nghiệp, vậy theo ông việc trao đổi trực tiếp như thế này sẽ giúp gì cho những cơ quan ban hành chính sách như NHNN?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chúng tôi nắm thêm được rất nhiều thông tin từ thực tiễn cuộc sống, từ thực tiễn hoạt động tín dụng ở dưới cơ sở. Bên cạnh đó, có thể có những thông tin rất mới ngoài những kiến nghị mà lâu nay một số doanh nghiệp vẫn đặt ra thế, có rất nhiều kiến nghị mới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội lúc này. Chính vì thế, NHNN tiếp tục cùng với chính quyền các địa phương tạo thêm sự gắn kết hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động tài chính tiền tệ nói riêng.

Đây cũng là lúc để có thể lắng nghe được thực tiễn, hơi thở từ cuộc sống, của doanh nghiệp, của người dân để chúng tôi điều chỉnh chính sách một cách kịp thời. Hội nghị ngày hôm nay có rất nhiều những ý kiến của các Hiệp hội, các Hội Doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, Hội Nông dân…Qua đó chúng tôi cũng thấy được nhiều sáng kiến của các doanh nghiệp được vận dụng một cách rất sáng tạo trong việc khai thác được các nguồn vốn, không chỉ là vốn vay ngân hàng mà còn là nguồn vốn của bản thân các doanh nghiệp cũng như các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức khác. Chúng tôi cho rằng đây cũng là cơ hội để NHNN có thêm những kinh nghiệm để tổ chức các hội nghị đạt kết quả toàn diện hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

P.V