Hòa Phát: Sản lượng HRC của đạt kỷ lục 296.000 tấn trong tháng 3, sẽ không mua cổ phiếu quỹ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:53, 04/04/2022
Sản lượng HRC đạt kỷ lục trong tháng 3
Theo thông được Hoà Phát công bố, sản lượng bán hàng HRC của doanh nghiệp trong tháng 3/2022 tăng 24% so với tháng 2/2022 và tăng 25% so với tháng 2/2021. Ông Trần Ngọc Ân, Phó Phòng Kinh doanh Thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết, sản lượng bán hàng đạt kỷ lục chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng cao. Việc Chính phủ và các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng kích thích các lĩnh vực sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất như gia công kết cấu nhà xưởng, sản xuất ống thép, tôn mạ và sản phẩm cơ khí khác.
Mặt khác, trong thời gian qua, do chi phí vận tải biển tăng cao và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraina, nguồn cung HRC nhập khẩu từ Nga và Ấn Độ về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Hòa Phát đã tăng cường sản xuất mặt hàng này để cung ứng cho thị trường nội địa, góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung HRC từ nước ngoài.
Lũy kế quý I/2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 763.000 tấn HRC, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.
Thép cuộn cán nóng là sản phẩm công nghiệp có giá trị cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Khu liên hợp có sản lượng 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 2,6 triệu tấn phôi thép, và 3 triệu tấn HRC/năm. Với lợi thế về cảng biển nước sâu, Hòa Phát dễ dàng cung ứng sản phẩm đến các khu vực thị trường trong và ngoài nước với giá thành cạnh tranh.
Sẽ không mua cổ phiếu quỹ
Gần đây nhận ban lãnh đạo Hòa Phát nhận được nhiều đề xuất của cổ đông về việc doanh nghiệp nên cân nhắc mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu dao động về mức thấp và đang có nguồn tiền mặt dồi dào. Trả lời đề xuất của cổ đông, ban lãnh đạo Hoà Phát khẳng định không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ trong thời gian này do hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, trước đây các công ty đại chúng có thể mua cổ phiếu quỹ với mục đích đầu tư, bình ổn giá và bán khi giá cổ phiếu tăng cao và Hòa Phát cũng đã từng mua cổ phiếu quỹ sau đó bán ra khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu quỹ đã có thay đổi theo quy định của nhà nước, cụ thể từ ngày 1/1/2021 công ty đại chúng mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu mua lại theo Điều 36 Luật Chứng khoán năm 2019, như vậy cổ phiếu quỹ đó sẽ không bán được.
Thứ hai, nếu Hoà Phát mua cổ phiếu quỹ thì sẽ gặp một số vướng mắc. Theo đó, vốn điều lệ của công ty mẹ (tập đoàn) hiện tại là 44.700 tỷ đồng trong khi tổng vốn điều lệ của các công ty con cấp 1 trong tập đoàn là 63.100 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của các công ty con đang lớn hơn vốn điều lệ công ty mẹ. Trong trường hợp mua cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ của công ty mẹ sẽ giảm hơn nữa, dẫn tới mất cân đối, không tương xứng với quy mô tập đoàn.
Bên cạnh đó, nếu tiến hành mua cổ phiếu quỹ và phải giảm vốn điều lệ, Hoà Phát sẽ vi phạm cam kết với các tổ chức, định chế tài chính đang cấp tín dụng cho Hòa Phát. Khi doanh nghiệp vay tiền đã cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo với ngân hàng khi có thay đổi.