WB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong năm 2022
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:51, 05/04/2022
Dự báo trên được WB đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với COVID-19, kết quả vững chắc của công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu và sự phục hồi nhu cầu trong nước. Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước COVID-19. Ngoài ra, dù trên 78% dân số đã được tiêm vắc-xin đầy đủ song nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Bước vào giai đoạn phục hồi sau cú sốc COVID-19
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,6% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với xu hướng tăng trưởng bình quân 7,0% trước đại dịch. Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, đợt dịch COVID-19 bùng phát bắt đầu vào tháng 4/2021 dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng ở các trung tâm kinh tế lớn, khiến cho GDP giảm 6,2% (so cùng kỳ năm trước) trong quý III. Sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, nền kinh tế bật tăng mạnh mẽ trở lại với tốc độ 5,2% (so cùng kỳ năm trước) trong quý IV.
Sản suất công nghiệp phục hồi nhanh chóng ngay sau khi các biện pháp hạn chế áp dụng trong quý III/2021 được gỡ bỏ, và tăng trưởng 4,0% nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại. Do tính chất nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ tăng 1,2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát bắt đầu từ tháng 4/2021 và các biện pháp kiểm soát dịch sau đó có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến thị trường lao động trong quý III/2021. Khoảng 60% lực lượng lao động cho biết họ phải chịu tác động tiêu cực trên thị trường lao động, từ mất việc làm đến giảm giờ làm, doanh nghiệp tạm thời đóng cửa và giảm lương. Đến quý IV/2021, các chỉ số chính cho thấy dấu hiệu phục hồi khi hoạt động kinh tế được khôi phục ở các trung tâm kinh tế lớn, nhưng chưa đạt được mức trước đợt bùng phát dịch.
Triển vọng
Về triển vọng kinh tế năm 2022, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.
Tăng trưởng GDP theo giá so sánh và đóng góp cho tăng trưởng GDP theo giá so sánh. Nguồn: WB. |
Tuy nhiên, triển vọng trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng COVID-19 mới.
Phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến tạm thời gián đoạn cung lao động và sản xuất. Vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiềm soát rủi ro trong khu vực tài chính.
Có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu, theo đó tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024. Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, với giả định tăng trưởng GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng tác động của khủng hoảng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài làm tăng bất bình đẳng. Bất bình đẳng gia tăng có thể dẫn đến những hệ quả về vốn con người và kinh tế cho đất nước. Những tài sản đã bán đi sẽ không thể tạo ra thu nhập trong tương lai trong khi sự không đồng đều về chất lượng và tình trạng gián đoạn giáo dục trong suốt giai đoạn khủng hoảng COVID-19 sẽ để lại những hệ quả về tích lũy vốn con người và tiềm năng thu nhập trọn đời.