100% trường học, bệnh viện ở Thanh Hóa sẽ thanh toán không dùng tiền mặt
Công nghệ - Ngày đăng : 16:05, 07/04/2022
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kế hoạch Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2022, có khoảng 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bànntỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, dịch vụ y tế và các giao dịch khác. Ngoài ra, số lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, trong các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%.
Ảnh minh họa |
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục. Trong đó, các trường học, cơ sở giáo dục lựa chọn, ứng dụng các giải pháp, nền tảng số phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, đào tạo.
Ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tăng cường kết nối liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh qua các ứng dụng, nền tảng số.
Triển khai áp dụng nền tảng dạy, học, thi trực tuyến tại các cấp học, hình thành, phát triển giáo dục số.
Đói với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra kế hoạch 100% các trường học, cơ sở giáo dục phải triển khai đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
"Các trường học, cơ sở giáo dục bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh
toán học phí, phí, lệ phí và các dịch vụ theo quy định", văn bản nêu.
Đối với hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện, cơ sở y tế, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế đẩy mạnh việc lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số phù hợp, hiệu quả để phục vụ triển khai công tác chuyển đổi số y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao kịp thời, tiện lợi và an toàn.
Các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường sử dụng các nền tảng số y tế, như: nền tảng số quản lý bệnh viện, cơ sở y tế; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử; nền tảng quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến; các công cụ hỗ trợ khám chữa bệnh và nghiệp vụ y tế.
Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành các bệnh viện thông minh. Đảm bảo hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ về y tế.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đặt ra mục tiêu 100% các bệnh viện, cơ sở y tế phải triển khai đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định.
Ngoài ra, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế, Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế đến mọi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý các đơn vị cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong hoạt động chuyển đổi số, thanh toán điện tử. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức để phòng, tránh các hành vi lừa đảo, nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 100% thanh toán khoản chi ngân sách nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản chi trả cá nhân khác qua tài khoản của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước bắt buộc phải chi trả cá nhân qua tài khoản ngân hàng tại hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được thực hiện bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tính đến ngày 31/12/2021, số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị của tỉnh là 31.187 lượt người, chiếm tỷ lệ 28,93% trên tổng số người hưởng với số tiền chi trả hằng tháng là 859.793 triệu đồng. (Nguồn: https://thanhhoa.dcs.vn/) |