Hiệp hội Ngân hàng góp ý về chính sách cho vay gián tiếp
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:03, 07/04/2022
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH nhấn mạnh đây là hợp tác quan trọng giữa Quỹ, Hiệp hội và các tổ chức tín dụng (TCTD). Hai bên gặp gỡ, trao đổi nhằm tạo điều kiện để các TCTD tiếp cận nguồn vốn của Quỹ, đồng thời Quỹ thực hiện được việc cho vay hỗ trợ nhu cầu đổi mới, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ tham gia góp ý với Quỹ để hoàn thiện quy chế cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo kết quả, an toàn vốn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần bám sát Quyết định 04 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng quy chế cho vay phù hợp, đảm bảo đúng quy định pháp lý, sát thực tiễn để các TCTD và Quỹ triển khai được.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký HHNH phát biểu |
Thông tin về Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ cho biết, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Tên giao dịch quốc tế là National Technology Innovation Foundation, viết tắt là NATIF) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn (gọi chung là hỗ trợ tài chính) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Quỹ NATIF được thành lập theo các Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Quỹ NATIF hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có báo cáo tài chính riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thông tin về nội dung quá trình xây dựng chính sách |
Hiện nay, về triển khai hoạt động cho vay gián tiếp (CVGT), Quỹ cần ban hành hành lang pháp lý. Cụ thể, Quy chế CVGT: là khung quy định đối với hoạt động CVGT, bao gồm cả hoạt động hợp tác với ngân hàng như Tiêu chí đánh giá và lựa chọn ngân hàng để hợp tác; Hợp đồng khung CVGT, Hợp đồng CVGT...; Lãi suất và lĩnh vực đổi mới công nghệ ưu tiên trong từng giai đoạn, (lãi suất bao gồm cả mức phí CVGT trả cho ngân hàng); Quy định nội bộ về quy trình, thủ tục, các hoạt động nghiệp vụ CVGT
Các vấn đề cần xin ý kiến đóng góp trong hoạt động của Quỹ bao gồm: quy định trong Quy chế CVGT, tiêu chí đánh giá lựa chọn ngân hàng, hợp đồng khung CVGT, hợp đồng CVGT phù hợp với qui định, chính sách pháp luật của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Khoa học Công nghệ; tính khả thi của việc sử dụng tiêu chí đánh giá, lựa chọn ngân hàng; sự phù hợp và đầy đủ của việc áp dụng hợp đồng khung CVGT và hợp đồng CVGT để đảm bảo nguyên tắc cơ bản nêu trên; mở ra các cơ hội hợp tác về hoạt động tín dụng khác của Quỹ, bao gồm hoạt động hỗ trợ lãi suất để vay vốn, cho vay trực tiếp, bảo lãnh để vay vốn cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giới thiệu các chuyên gia phối hợp với Quỹ trong các hoạt động nghiệp vụ có liên quan đến 2 ngành Ngân hàng và khoa học công nghệ.
Ý kiến của đại diện Ủy ban Chính sách và Câu lạc bộ Pháp chế của HHNH cho rằng: Theo mô hình cho vay gián tiếp nêu trên, ngân hàng là đơn vị chủ động quản lý, kiểm soát khoản vay, xử lý các vấn đề phát sinh, chịu rủi ro tín dụng đối với các khoản cho vay của mình, do đó việc ngân hàng không nhận được phí cho vay gián tiếp khi khách hàng chậm trả nợ là chưa phù hợp. Đối với phí phạt trả chậm: đề nghị xem xét không thu phí phạt trả chậm trong trường hợp khoản vay bị quá hạn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh…). Bên cạnh đó cần quy định rõ trường hợp nào Quỹ được quyền yêu cầu ngân hàng thu hồi nợ trước hạn. Do tính chất phức tạp của các dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ và hoạt động tín dụng, việc thẩm định, đánh giá xét duyệt sẽ cần nhiều thời gian, do đó đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian thẩm định dự án phù hợp tại Điều 16 cho phù hợp (20 ngày).
Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện Ủy ban Chính sách: "đề nghị bổ sung các điều khoản phạt vi phạm và bồi thường hợp đồng trong trường hợp Quỹ thực hiện không đúng nội dung cam kết" |
Đối với hợp đồng là thỏa thuận giữa 2 bên Quỹ và ngân hàng thương mại (NHTM), trong khi Quy chế cho vay gián tiếp là văn bản nội bộ do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành, theo đó, nếu điều khoản hợp đồng dẫn chiếu tới nội dung Quy chế, trong trường hợp Quy chế thay đổi thì điều khoản hợp đồng cũng bị thay đổi theo mà có thể chưa có sự đồng thuận của NHTM. Do đó, những nội dung thỏa thuận giữa 2 bên cần được nêu cụ thể, đầy đủ tại hợp đồng. Nếu điều khoản cụ thể tương đối dài và phức tạp, có thể xem xét đưa vào phụ lục hợp đồng. Do đó, đề nghị bổ sung các điều khoản phạt vi phạm và bồi thường hợp đồng trong trường hợp Quỹ thực hiện không đúng nội dung cam kết; Điều khoản về bồi thường thiệt hại đối với NHTM cũng cần rõ ràng và cụ thể, không nêu nguyên tắc chung chung. Ngoài ra, đề nghị bổ sung Điều khoản “Điều kiện bất khả kháng” quy định các trường hợp vi phạm hợp đồng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn….).
Các ý kiến cũng cho rằng: các vấn đề pháp lý, căn cứ sẽ phối hợp để cùng rà soát và hoàn thiện. Hiện nay, các Quỹ đều có chương trình cho vay, đó là hình thức gián tiếp tham gia thị trường cho vay. Họ thực hiện theo hình thức ký hợp đồng với ngân hàng để ngân hàng cho vay lại. Để triển khai vào thực tế sẽ có 2 phương án. Cụ thể: Phương án 1, các bên ký hợp đồng khung, các ngân hàng chuyển hồ sơ sang sau đó Quỹ lựa chọn và ký hợp đồng. Sẽ có hạn chế về trình tự, thủ tục. Khả năng thành công của phương án này không cao.
Phương án 2 là ngân hàng ký hợp đồng cho vay và chuyển luôn tiền, đảm bảo theo tiêu chí, nội dung cho vay và thông báo lại cho Quỹ. Ưu tiên nên thực hiện phương án này. Bài toán của ngân hàng là phải lựa chọn tiêu chí, doanh nghiệp, danh mục… Do vậy, khi xây dựng chính sách cần lựa chọn cách làm, phạm vi thực hiện, ưu tiên thế mạnh của Quỹ.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế: "cần phải đánh giá và xác định phương án có thể triển khai được và hướng đến mục tiêu hiệu quả" |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ cùng đại diện ban soạn thảo chính sách cho vay gián tiếp của Quỹ đã tiếp thu các nội dung đóng góp từ phía HHNH và sẽ chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đề nghị sẽ cùng phối hợp với HHNH trong quá trình xây dựng chính sách trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc |