Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Chủ động các giải pháp kìm chế lạm phát hiệu quả

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 07:21, 08/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã và đang chủ động các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định và tăng trưởng sau khi hoạt động trở lại bình thường khi dịch bệnh COVID - 19 được kiểm soát.

Trong bối cảnh xuất hiện và tiềm ẩn các yếu tố tác động khó lường do diễn biến phức tạp địa chính trị; giá dầu và giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực đối với giá cả và lạm phát trong nước, nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2022, ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang chủ động các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định và tăng trưởng sau khi hoạt động trở lại bình thường khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thể hiện qua công tác cải cách hành chính; thực hiên tốt cơ chế chính sách của NHTW và đặc biệt tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND Thành phố. Cụ thể:

Ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào chương trình bình ổn thị trường của Thành phố

Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố là chương trình được triển khai thực hiện nhằm ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu (lương thực thực phẩm; một số sản phẩm lĩnh vực y tế giáo dục…), qua đó hỗ trợ và nâng cao đời sống người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, từ Chương trình này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, giữ ổn định giá cả chung của thị trường cũng như khuyến khích và tạo thói quen tiêu dùng để người dân sử dụng hàng Việt chất lượng. Với ý nghĩa đó, Chương trình đã phát huy được hiệu quả trong suốt nhiều năm qua và đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn kinh tế vĩ mô, giá cả và lạm phát tăng. Trong quá trình đó, ngành ngân hàng Thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng bình ổn thị trường thuộc chương trình này giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí sản xuất nhờ tiết giảm chi phí lãi suất, bởi lãi suất cho vay của các ngân hàng tham gia chương trình này tương đối thấp.

Trong điều kiện hiện nay, khi áp lực lạm phát gia tăng, việc các ngân hàng tham gia tích cực chương trình và giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc chủ động xem xét giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp càng mang lại ý nghĩa to lớn và thiết thực trong việc bình ổn thị trường trên địa bàn. Theo đó, hiện nay tổng dư nợ cho vay chương trình (đến cuối tháng 2/2022) đạt: 2.105 tỷ đồng, doanh số cho vay (lũy kế) đạt gần 6.000 tỷ đồng cho 35 doanh nghiệp bình ổn thị trường, với lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất cho vay bình quân chung. Điều này đã hỗ trợ và mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, ổn định giá cả và kìm giữ lạm phát trên địa bàn Thành phố.

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là chính sách lãi suất

Các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch lãi suất, thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN trung ương. Từ đó góp phần ổn định thị trương tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Qúa trình này thực hiện tốt không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN trung ương mà qua đó góp phần kiểm soát và thực hiện tốt được các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến xu hướng tăng lãi suất mang tính cạnh tranh không lành mạnh và phi thị trường.

Thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Các ngân hàng trên địa bàn đa tiếp tục cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển hiệu quả, giảm chi phí sản xuất để ổn định đầu ra, ổn định giá bán hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để giam chi phí thời gian, tạo tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng. Qúa trình này hỗ trợ và gián tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được chi phí thời gian, chi phí cơ hội, góp phần để doanh nghiệp ổn định giá cả sản phẩm, hàng hóa bền vững.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm cộng đồng, sự chia sẻ và vận dụng hiêu quả mối quan hệ hệ quả ngân hàng – doanh nghiệp để dồng hành, cùng phát triển

Các ngân hàng luôn coi khách hàng là trung tâm để phát triển, để dổi mới và ứng dụng công nghệ  hiện đại trong hoạt động quân lý, hoạt động kinh doanh; phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiết giảm chi phí hoạt động; nâng cao hiệu quả hoạt động để cạnh tranh và phát triển ổn định, an toàn và bền vững. Qúa trình này được thực hiện tốt sẽ không chỉ tạo điều kiện cho các TCTD mạnh hơn, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn tốt hơn mà còn thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi và tăng trưởng góp phần thực hiện thành công chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, của UBND Thành phố.

Nguyễn Đức Lệnh