Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương

Văn hóa - Ngày đăng : 07:29, 10/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tự hào đã 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng thực sự có sức sống lâu bền và lan toả sâu rộng trong cộng đồng, xứng đáng là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại,  càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưởng thờ cúng tổ tiên, nói rộng ra là hệ thống tín ngưỡng - tôn giáo bản địa của nước ta nói chung gồm ba bộ phận: Thứ nhất, tế tự tại gia đình; Thứ hai, tế tự tại làng xóm (chủ yếu là tín ngưỡng thờ Thành hoàng) và Thứ ba tế tự quốc gia, tiêu biểu tế đàn Nam Giao).

Trong hệ thống ấy, người Việt luôn coi thờ cúng tổ tiên là quan trọng bậc nhất. Cái độc đáo là ở chỗ, triết lý Việt luôn luôn dành chỗ cho sự mở rộng sự liên kết huyết thống - tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ, những người đã khuất cùng huyết thống, với người dân Việt Nam ta tự bao đời nay, ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương trước hết là ý nghĩa về nguồn cội của dân tộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

Trước kia, các nhà nước phong kiến tiến hành lễ tế  Đền Hùng (Phú Thọ) vào ngày 12 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ của Vua Hùng thứ nhất ( Kinh Dương Vương). Sau khi triều đình tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xã chung quanh Đền Hùng tế lễ tại những nơi thờ vua Hùng và vợ con các vua.  

Đến nhà Nguyễn, việc quản lý Đền Hùng có sự thay đổi lớn. Triều đình trực tiếp đứng ra tôn tạo các đền đài lăng tẩm chùa chiền. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức tế ngày giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân 1 ngày, tức là tế vào ngày mồng 10 tháng 3, để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ. Chủ tế là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sự là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy năm chẵn 5 như 1920, 1925.

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã chọn ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch để dâng hương lên bàn thờ Tổ. Theo Dịch học, số 3 trong tháng 3 Giỗ tổ là số của Địa chi; số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can. Tháng 3 âm lịch là tháng Thìn (theo lịch nhà Hạ), Thìn là con rồng, âm Hán Việt là Long, Long là đồng âm của Lang. Chính vì điều này nên con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua. Theo đó, số 10 là can Kỷ. Kỷ được giải thích rằng hết một vòng trở về khởi đầu, nên ngày Kỷ cũng là Kỵ, mà ngày Kỵ tức ngày Giỗ. Tóm lại, theo Dịch học, số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can -Chi được giải mã là “Kỵ Long”, ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày Giỗ vua.

Mùa xuân năm 1941, cách đây 81 năm, khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái quốc đã viết những vần thơ thể hiện tinh thần yêu nước, khẳng định truyền thống lịch sử của dân tộc trong bài Lịch sử nước ta: “Kể năm hơn bốn nghìn năm, /Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà. /Hồng Bàng là Tổ nước ta. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”.

Đền Hùng lúc này đã trở thành biểu tượng  thiêng liêng có giá trị văn hóa-tinh thần lớn lao, thể hiện sức mạnh, niềm tự hào của khối đoàn kết toàn dân và truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc ta.

Năm 1943, mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cở Tổ quốc trên gác chuông trước cửa chùa Thiền Quang để tuyên truyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật - Pháp để cứu nước trước đông đảo quần chúng về dự lễ hội. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong dịp lễ hội Đền Hùng năm 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền thay mặt Chính phủ về dự lễ hội Đền Hùng, khi Lễ Tổ dâng một thanh gươm và một tấm  bản đồ Việt Nam cẩn cáo với các Vua Hùng (Tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc công bố).

Ngày 19/9/1954 trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và căn dặn các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng với câu nói bất hủ:

“... Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”

Có thể nói rằng, lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, qua bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc. Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Hằng  năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi người Việt Nam đều xúc động hướng về đất Tổ, hướng về cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi, nghe thấy tiếng vọng ngày xưa, như thấy tổ tiên Lạc Hồng vẫn đang hiển hiện, đúng như câu đối ở đền Hùng:

Lăng tẩm tự năm nao, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ.

Văn minh đương buổi mới con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ Mồ ông.

Với những giá trị văn hóa truyền thống và ý nghĩa lịch sử nổi bật, tháng 12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”. Đến nay, đã 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng thực sự có sức sống lâu bền và lan toả sâu rộng trong cộng đồng, xứng đáng là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại,  càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Năm Nhâm Dần 2022, Giỗ Tổ Hùng Vương được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Tìm về đất Tổ những ngày này, chính là để mỗi người dân đất Việt hiểu hơn về ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng.

Nguyễn Văn Thanh