Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:53, 13/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 13/4, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. Tọa đàm là nội dung trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần 2.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking. Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm.

Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới 4 mục tiêu chính

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam cần phải chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chủ đề của tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch” là rất thiết thực, giúp tuyên truyền, phổ biến lợi ích của các phương thức thanh toán mới, hiện đại như thẻ chip, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR code, thanh toán qua Internet, điện thoại di động.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại tọa đàm.

Ông Lê Văn Tuyên cho biết, Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới bốn mục tiêu chủ yếu.

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.

Thứ tư, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Mặt khác, trong những năm gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh triển khai. Một trong những giải pháp quan trọng là việc ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vào ngày 9/12/2019. Theo đó, nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, thay vì phải đến trực tiếp nộp tiền mặt để thanh toán các loại thuế, phí.

Thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam: thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

NAPAS triển khai nhiều giải pháp thanh toán hiện đại

Về phía NAPAS, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS chia sẻ, thời gian qua nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy TTKDTM trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ công đã được triển khai.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS.

Hiện tại, NAPAS đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các bộ/cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 5 nhóm dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí. 

Các phương thức TTKDTM do NAPAS triển khai gồm thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng 2 ngân hàng là NCB và Nam Á Bank vào tháng 1 năm nay.

Qua đó, NAPAS mong muốn đem đến sự đơn giản, thuận tiện và an toàn khi người dân tiếp cận, sử dụng thanh toán các loại dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Minh cũng cho biết về kế hoạch phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán phát triển củng cố hạ tầng chấp nhận thanh toán của NAPAS. 

"Về phương thức thanh toán bằng QR code, hiện nay, mã QR code có sự phân mạch về hạ tầng chấp nhận thanh toán, tức là QR code của trung gian thanh toán nào, ngân hàng nào thì chỉ chấp nhận duy nhất khách hàng ở đơn vị đó. Với vai trò đơn vị chuyển mạch quốc gia, NAPAS sẽ thực hiện kết nối liên thông mạng lưới chấp nhận thanh toán QR code của tất cả các đơn vị để khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán này có thể thanh toán ở bất kì điểm chấp nhận thanh toán do bất kì đơn vị nào phát triển. Mặt khác, mặc dù NHNN ban hành tiêu chuẩn cơ sở về QR code, tuy nhiên sự đồng bộ tiêu chuẩn về QR code trên thị trường chưa thực sự tốt. Hiện nay, NAPAS đã cho ra đời QR code tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở này với ứng dụng mang tên là VietQR, được sử dụng đầu tiên để thực hiện liên thông thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam – Thái Lan theo chỉ đạo của ngân hàng trung ương hai nước", ông Minh thông tin cụ thể.

Quỳnh Dương