Quý I/2022, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính gần 10.807 tỷ đồng
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 17:26, 14/04/2022
Trong đó, đã kiến nghị thu hồi nộp khoảng 2.960 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác khoảng 7.121 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính khoảng 725 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN là 1.992,3 tỷ đồng.
Cơ quan Hải quan đã thực hiện 168 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra sau thông quan là 147 cuộc, xử lý thu vào NSNN 44,7 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 3.700 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 1.280 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 69 tỷ đồng.
Đối với nhóm các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và tổ chức kiểm toán được chấp thuận, qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan thanh tra đã ra quyết định xử phạt, đăng công khai đối với 55 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 6,8 tỷ đồng.
Trong quý II/2022, Bộ Tài chính sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; thẩm định hồ sơ chào bán, phát hành theo quy định; giám sát chặt chẽ hoạt động sau chào bán, bảo đảm tuân thủ theo quy định; đặc biệt là các trường hợp tăng vốn nhanh, phát hành riêng lẻ nhưng đồng thời tạo thuận lợi, phục vụ cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán để có đánh giá, phân tích; xem xét hồ sơ công ty đại chúng để hướng dẫn, yêu cầu thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường theo quy định; Tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệnh hoặc có nhiều sai sót; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm....