Nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ “lặng sóng” trong một thời gian dài?

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:23, 19/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhận định trên được VCBS nêu trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II/2022.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ “lặng sóng”, dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu cơ bản tốt 

VCBS cho rằng các yếu tố kinh tế chính sẽ chi phối thị trường chứng khoán trong quý II cũng như cả năm 2022 vẫn là nền kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao; lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ, nhưng mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.

Điểm nhấn thị trường cổ phiếu trong quý I/2022.

“Theo đó, chúng tôi tiếp tục duy trì dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021”, chuyên gia của VCBS lưu ý.

Mặt khác, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo tăng nhẹ so với năm 2021 và đạt bình quân hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ. Giá trị giao dịch trung bình năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng 17-20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000 - 30.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.

Trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4, tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến trên thị trường có sự bất ổn nhất định sau khi cơ quan chức năng ra quyết định bắt tạm giam lãnh đạo của một số công ty đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây được coi là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn. 

“Trước mắt trong quý II/2022, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ “lặng sóng” trong một thời gian dài và dòng tiền sẽ có xu hướng quay trở lại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn”, VCBS nhấn mạnh.

Quan điểm đầu tư cho nhóm ngành triển vọng 

Ngay trong những tháng đầu năm 2022, nhiều sự kiện kinh tế - chính trị lớn đã xảy ra ở cả bình diện thế giới cũng như Việt Nam. VCBS đưa ra quan điểm đầu tư cho 5 nhóm ngành chính dựa vào triển vọng trong quý này.

Thứ nhất, trên thế giới, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine tiếp tục làm sâu sắc thêm những đứt gãy vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường hàng hóa quốc tế tăng phi mã. VCBS không cho rằng tình trạng này sẽ sớm có thể kết thúc ngay trong năm 2022, do đó nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu... đã tăng trưởng khá tốt trong quý I và nhiều khả năng sẽ tích cực hơn trong những quý tiếp theo của năm 2022. 

Thứ hai, dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn là vô cùng tích cực. Sự đồng thuận ở cấp quốc gia hướng đến các mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ngày càng được củng cố vững chắc hơn. Tiếp sức cho đà phục hồi kinh tế là việc tín dụng tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực và chúng tôi cũng kỳ vọng rằng sức hấp thụ vốn trong lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục có cự cải thiện theo thời gian. 

Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ, sẽ vẫn là các cơ hội đầu tư tiềm năng trong cả năm 2022. 

Thứ ba, việc xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp hoạt động thiếu minh bạch, nhưng đồng thời cũng để lại các khoảng trống trên thị trường bất động sản cũng như mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản sản khác. 

Theo đó, sự phân hóa đã và đang diễn ra giữa các nhà phát triển bất động sản, cả nhóm bất động sản dân dụng và nhóm bất động sản khu công nghiệp, được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục trong phần còn lại của năm nay. Những doanh nghiệp với lợi thế về quỹ đất, năng lực tài chính lành mạnh và định hướng phát triển dự án rõ ràng sẽ có sự bứt tốp mạnh mẽ so với phần còn lại của ngành. 

Thứ tư, nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, vốn vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp, vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi theo xu hướng chung của nền kinh tế. Theo đó, nhóm doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý, được nhấn mạnh dưới quan điểm của VCBS.

Cuối cùng là các ngành nằm trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như cảng biển, dệt may, đồ gỗ, thủy sản,... Xét trên bình diện toàn ngành thì đây đều là các ngành đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong quý I vừa qua, đi cùng với sự tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam. 

“Chúng tôi cho rằng trong mỗi ngành đều sẽ có một số cơ hội đầu tư nhất định, nhưng bởi thực tế là khả năng tận dụng cơ hội đến từ bối cảnh chung cũng như tiềm năng tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong từng ngành có sự phân hóa lớn nên nhà đầu tư sẽ cần sàng lọc và nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh cốt lõi của từng doanh nghiệp cụ thể”,  VCBS lưu ý.

Quỳnh Dương