Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022: “Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 22:08, 20/04/2022
Diễn đàn THQG Việt Nam 2022 quy tụ các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, thu hút đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu. |
Việt Nam - điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển THQG toàn cầu
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng THQG - gửi lời chúc mừng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đạt được những thành tựu trong năm 2021 vừa qua. Sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế xã hội của các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên trên mọi thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những gam màu sáng và nhiều tín hiệu lạc quan nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam duy trì sản xuất và xuất khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 3 năm trở lại đây, giá trị THQG Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
“Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất khẩu trên GDP tăng liên tục qua các năm. Đây cũng là điều kiện rất tốt để tăng hạng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. Việt Nam cũng được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị THQG đi cùng với những kết quả về kinh tế-xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Đồng thời, thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai hàng loạt hoạt động trong nước và quốc tế (tại Singapore, Hà Lan, Dubai...), từng bước nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về một Việt Nam có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Brand Finance - tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh), Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển THQG toàn cầu. Năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2018 là 235 tỷ USD và xếp hạng thứ 42 trong Top 100 THQG giá trị nhất thế giới. Năm 2020, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, giá trị THQG Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD, tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 THQG giá trị nhất thế giới.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch Hội đồng THQG mở đầu buổi lễ khai mạc. |
Theo báo cáo mới công bố gần đây về định giá thương hiệu của Brand Finance, năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 tới kinh tế toàn cầu, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của THQG như năm 2020 nhưng Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 33/100 Top giá trị THQG mạnh trên thế giới. Kết quả này đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn trong xây dựng, phát triển THQG của nước nhà.
Về giá trị THQG Việt Nam, năm 2021 tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên 388 tỷ USD. Kết quả này đi ngược với xu hướng giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo số liệu do Brand Finance cung cấp, rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã góp mặt trong danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (VIETNAM 50 2021 RANKING). Tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG là 28% năm 2018, năm 2021 là 34%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cụ thể, có 6/10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG (gồm Viettel, Vinamilk, Agribank, Vietcombank, Mobifone, VietinBank) thuộc nhóm 3 ngành hàng dẫn đầu (viễn thông, ngân hàng, thực phẩm), chiếm tới 68% tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Với những tín hiệu tích cực trên, các doanh nghiệp THQG Việt Nam đang dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đó là đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp mà tiêu biểu là giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị THQG Việt Nam.
Vươn mình ra sân chơi quốc tế
Ông Phạm Quang Hiệu – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam nước ngoài, phát biểu |
Tiếp nối chương trình, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam nước ngoài - nhấn mạnh về vai trò của các doanh nhân người Việt ở nước ngoài.
“Ngày càng có nhiều các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, vươn mình ra sân chơi quốc tế. Những thành tựu to lớn kể trên của đất nước ta trong những năm qua là kết quả của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó có sự đóng góp và vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoại, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân người Việt đang hoạt động ngày càng thành công trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.
Có thể nói, vai trò của doanh nhân kiều bào hiện nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về trong nước dưới dạng đầu tư hoặc kiều hối hàng năm, mà còn đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới.
Cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài với vốn kiến thức, kinh nghiệm sở tại, quan trọng hơn là tình yêu quê hương đất nước đã vượt qua nhiều thử thách để đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường nước sở tại, các cơ sở phân phối. Việc quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan doanh nghiệp trong nước tìm hiểu hệ thống luật pháp các nước sở tại, thị hiếu của người dân bản địa và hệ thống luật pháp quốc tế nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn. Đồng thời đưa các sản phẩm Việt Nam lên các nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp các sản phẩm thương hiệu Việt đc biết đến rộng rãi hơn và được bảo hộ một cách bài bản hơn.
“Thời gian vừa qua, chúng tôi rất vui mừng chứng kiến sự phát triển không ngừng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao khu vực phát triển, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, cơ quan trong nước đẩy mạnh hàng xuất khẩu Việt Nam vào các thị trường, đặc biệt là các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nói.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam |
5 định hướng tập trung thời gian tới
Năm 2022, để hướng tới mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg, Bộ Công Thương định hướng triển khai các hoạt động của chương trình THQG tiếp tục tập trung vào các nội dung sau:
Một là, phối hợp với các Bộ, Ngành rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng kế hoạch chiến lược tập trung hạn 2022-2025 cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình THQG Việt Nam và các sản phẩm đạt THQG trong thời gian tới. Trong đó cần xác định rõ sản phẩm truyền thông, kênh truyền thông và đối tượng, phạm vi truyền thông để có định hướng trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phù hợp với từng ngành hàng có thế mạnh tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Hai là, phối hợp với các Bộ, Ngành rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn 2022-2025 cho nhiệm vụ nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu trong thời gian tới. Trong đó, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung và phương pháp nâng cao năng lực để có định hướng trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phù hợp.
Ba là, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 theo đúng kế hoạch định hướng, mục tiêu đề ra của Quyết định số 1320/QĐ-TTg.
Bốn là, phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương huy động tổng thể các nguồn lực để lồng ghép các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình THQG Việt Nam với các chương trình do Bộ, Ngành, địa phương được giao chủ trì thực hiện và quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Năm là, phát động và kêu gọi thêm nguồn lực xã hội hóa của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển chương trình đúng với ý nghĩa, tầm vóc của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình THQG Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí phù hợp và hướng dẫn thực hiện cho các hoạt động của Chương trình THQG Việt Nam, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG khi thực hiện thủ tục về thuế, hải quan và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật. Phối hợp rà soát thực trạng và có giải pháp quản lý nhà nước về các hoạt động xét thưởng, vinh danh có liên quan đến thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo các tổ chức liên quan thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm quyền.
Kết thúc diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam - bày tỏ mong muốn các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, căn cứ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương, ngành hàng gắn với định hướng xây dựng các thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia theo các tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam.
Tọa đàm Thương hiệu quốc gia Việt Nam - "Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa" |
Đóng góp ý kiến cho buổi Tọa đàm còn có nhiều chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế về lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu.
“Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Đằng sau các thương hiệu doanh nghiệp có uy tín trên thị trường là cậu chuyện của một thương hiệu quốc gia thành công. Góp phần vào sự thành công của THQG là rất nhiều thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm của quốc gia đó. Do vậy, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao, và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ."
GS. Lindsey M.Bier Marshall thuộc Khoa kinh doanh, Đại học Nam California (Mỹ)
“Các quốc gia xây dựng thành công thương hiệu quốc tế và có thứ hạng cao trong Country Brend Index đều chú trọng đến 6 yếu tố đo lường sức khỏe của một thương hiệu: sản phẩm, du lịch, van hóa di sản, hệ thống giá trị, tiềm năng kinh tế, chất lượng cuộc sống.”
Bà Trần Tuệ Tri – Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever, Giám đốc truyền thông Tổ chức AVSE Global
“Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực. Những năm gần đây, thứ hạng giá trị THQG Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.”
Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương