Thúc đẩy phát triển mạng lưới xanh hóa ngân hàng
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 17:53, 26/04/2022
|
|
Điểm cầu hội thảo tại Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng |
Tại hội thảo, Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng đã trình bày nội dung về hiện trạng và xu hướng ngân hàng xanh tại Việt Nam. Cụ thể, về chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, cách đây gần 10 năm (ngày 25/9/2012), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Để thực hiện chiến lược đã phê duyệt, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 403/QĐ/TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, đồng thời thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc. Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với hơn 170 quốc gia trên thế giới, điều này cho thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và kiểm soát biến đổi khí hậu, đồng thời tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Với chức năng, nhiệm vụ thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản về tín dụng phù hợp với bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; xây dựng Chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh và Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030; Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Khoản 1, Ðiều 4 - Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; ban hành Sổ tay hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 20 ngành kinh tế có rủi ro cao nhất đối với môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Về thực trạng tính dụng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để hỗ trợ triển khai chiến lược, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị, quyết định của NHNN về tăng trưởng xanh đến các TCTD, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương, đa phương đã hỗ trợ nguồn vốn cho tổ chức tín dụng triển khai cho vay các dự án, chương trình xanh.
Về phía NHNN, đã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và phục vụ tăng trưởng xanh như năng lượng tái tạo, ngành nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách trồng rừng, bảo vệ môi trường… thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tín dụng như ưu tiên trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời lồng ghép các chính sách cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thanh toán, phát triển dịch vụ ngân hàng và chiến lược quốc gia tài chính toàn diện.
Các tổ chức tín dụng đã thể hiện rõ trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ngày càng cao.
Kết quả cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngành ngân hàng đến cuối năm 2021 tương đối khả quan. Theo số liệu tổng hợp đến quý IV/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 451.548,82 tỷ đồng (chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 35,56% so với năm 2020, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 32% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (46%). Dư nợ công trình xanh đạt 1.027 tỷ đồng. Dư nợ cho vay năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 221.070 tỷ đồng.
Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phát biểu |
Về định hướng trong thời gian tới, Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh, NHNN tiếp tục thực thi đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với những kế hoạch cụ thể.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, từ đó làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Thứ hai, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ ba, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế, huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Chia sẻ về những mốc phát triển gần đây của ngành ngân hàng trong việc tích hợp khung đánh rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, nhìn chung việc triển khai các tiêu chí ESG vào mô hình kinh doanh hiện có của các tổ chức tín dụng vẫn đang ở những bước khởi đầu. Các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường và các rủi ro liên quan trong danh mục đầu tư và cho vay thông thường của họ. Sự mới mẻ của khái niệm rủi ro ESG là nhân tố đầu tiên khiến việc triển khai áp dụng các công tác quản trị, đánh giá rủi ro ESG tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc. Nhân tố thứ hai là việc tách biệt các sản phẩm xanh và sản phẩm truyền thống để đánh giá rủi ro ESG là không dễ dàng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng có truyền thống tạo ra các sản phẩm ngân hàng xanh hoặc bền vững bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường.
“Theo quan điểm của tôi, quá trình xây dựng và triển khai chiến lược quản trị rủi ro ESG, ngành ngân hàng cần phải giải quyết 4 thách thức”, ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường và rủi ro liên quan trong danh mục đầu tư và cho vay thông thường của họ. Sự mới mẻ của khái niệm rủi ro ESG khiến việc triển khai, áp dụng đánh giá và quản lý rủi ro ESG tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng có truyền thống tạo ra các sản phẩm ngân hàng xanh hoặc bền vững bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường, việc tách bạch các sản phẩm xanh và truyền thống để đánh giá rủi ro ESG là không dễ dàng.
Thứ ba, việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu ESG để thiết lập mô hình đánh giá rủi ro là điều cần thiết để các ngân hàng xác định và đánh giá thành công rủi ro ESG. Nhưng công việc này cũng rất khó và cần nhiều nguồn lực của các ngân hàng.
Thứ tư, khó khăn trong việc tích hợp ESG vào các quy trình quản lý rủi ro hiện có của ngân hàng. Các chính sách và thủ tục hiện tại cần phải phù hợp với chiến lược quản lý rủi ro ESG.
Ông Marc Stuart, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Allotrope Partners, chia sẻ, cách đây 4 – 5 năm, Allotrope Partners đã thực hiện chương trình thúc đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng sạch phối hợp với các phòng nghiên cứu quốc tế thông qua Tổ chức Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA). Việt Nam là một đối tác rất quan trọng đối với CEIA. Từ năm 2018, Allotrope Partners đã điều phối nhóm làm việc CEIA Việt Nam phát triển các dự án phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
“Dự án về năng lượng sạch thí điểm mà chúng tôi xây dựng phù hợp với các đơn vị thương mại và công nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng Dự án Xanh hóa Ngân hàng – GTB. Các công nghệ năng lượng tái tạo hiện đang phát triển rất mạnh trên toàn cầu. Việc phát triển năng lượng sạch ở mỗi hệ thống tài chính đều có những điểm khác biệt khi mỗi nền kinh tế đều có những chính sách khác nhau, có những yêu cầu riêng khác nhau. Vì thế, dự án của chúng tôi hướng đến hỗ trợ, kết nối hợp tác giữa các hệ thống tài chính trong khu vực nhằm đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc chung”, ông Marc Stuart cho biết.
Về mục tiêu của GTB, đại diện của Allotrope Partners chỉ ra, dự án giúp hiểu rõ hơn về các rủi ro, đồng thời tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý địa phương; các ngân hàng thiết lập và thực hiện các chiến lược để mở rộng quy mô các dự án xanh; tăng cường phối hợp trong hệ sinh thái khu vực giữa các ngân hàng, nhà phát triển, các cơ quan quản lý, người dân và các bên liên quan khác; khuôn khổ pháp lý được cải thiện và tích hợp để thúc đẩy lồng ghép tài chính xanh; các mục tiêu cấp cao chuyển thành hành động thực tế khi các sản phẩm xanh được cung cấp rộng rãi, các cơ hội tài chính bền vững được tạo ra và các khoản đầu tư vào năng lượng sạch được mở rộng nhanh chóng trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á.
Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm về Dự án GTB tại Philippines, ông Ivan Christian Limjuco, Quản lý Dự án tại Allotrope Partners, cho biết, cho đến nay, Dự án đã thành lập một liên minh gồm hàng trăm ngân hàng (bao gồm các nhân hàng lớn nhất của Philippines), các cơ quan chính phủ chủ chốt, các cơ quan quản lý… GTB đã có những hỗ trợ đột phá về quy định với việc Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) tung ra “Khung tài chính bền vững”. Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư vào hơn 2.000 MW năng lượng tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, GTB đã cũng tạo điều điện để Việt Nam và Philippines có một cuộc đối thoại trực tuyến nhằm trao đổi kinh nghiệm về cách thức hộ trợ tài chính xanh. Dự án duy trì mạng lưới thông tin bền vững, thông qua các phương tiên truyền thông chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mới nhất về tài chính xanh tại Đông Nam Á.
Ông Yong Han, Giám đốc Quản lý rủi ro HSBC Việt Nam. |
Góp mặt tại Hội thảo, ông Yong Han, Giám đốc Quản lý rủi ro HSBC Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về quản trị rủi ro liên quan đến khí hậu khi triển khai chiến lược xanh hóa tại ngân hàng này, đồng thời lưu ý, các cơ quan quản lý trên thế giới hiện nay đã đưa ra các hướng dẫn về tài chính xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. HSBC nhận thấy có trách nhiệm trong việc đóng góp dài hạn vào quá trình phát triển bền vững tại các quốc gia ngân hàng có hiện diện.
Bên cạnh đó, ông Yong Han cũng chia sẻ khát vọng của HSBC thông qua mạng lưới quốc tế và chuyên môn sâu rộng, từ nghiên cứu hàng đầu về ESG đến các giải pháp tài chính, đầu tư, nghiên cứu quản trị phát triển bền vững, thúc đẩy các sản phẩm và giải pháp đổi mới về chuỗi cung ứng và năng lượng cho chuỗi cung ứng nhằm hướng đến Net Zero (phát thải ròng bằng ‘0’) vào năm 2030. HSBC đặt mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và đầu tư bền vững.
Về phía VNBA, Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thời gian tới đây, VNBA hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của ngành ngân hàng đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ một cách hiệu quả.