Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 16:58, 27/04/2022
Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu
Ba tháng đầu năm 2022, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh ở hầu hết các tỉnh/thành, nhưng với tỷ lệ bao phủ tiếp tục tăng cao cùng với các biện pháp linh hoạt để thích ứng an toàn với dịch bệnh, Việt Nam kiểm soát tương đối tốt tình hình. Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không “lỡ nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023. Một số chính sách đã được thực thi ngay trong quý I/2022. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tương đối tốt vấn đề lạm phát mặc dù có dấu hiệu và áp lực gia tăng chi phí sản xuất do lạm phát toàn cầu và giả cả nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng mạnh. Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mở cửa dần nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt vấn đề lạm phát,... đã giúp nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực trong quý I/2022.
Theo đó, GDP quý I/2022 đạt mức tăng trưởng khá 5,03%, so với mức tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,68% của quý I/2020. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng 7,79%. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ đã có cải thiện đáng kể cùng với việc thực thi một số chính sách mới. Nhiều hoạt động dịch vụ bắt đầu tăng nhanh trở lại.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với một số rủi ro, trở ngại.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), so với thời điểm Quốc hội giao mức GDP năm 2022 vào khoảng 6-6,5% thì hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những điều kiện mới.
TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại tọa đàm |
Về điều kiện bên ngoài, rủi ro đầu tiên đến từ xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là tương đối lớn và rõ ràng. Rủi ro tiếp theo đến từ chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc. Chính sách này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Về điều kiện bên trong, 2 rủi ro chính là lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, tổng cầu của Việt Nam khó có thể phục hồi nhanh như các nước khác.
“Tôi cho rằng, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6 – 6,5% là không hợp lý, rất khó để đạt được”, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Đồng quan điểm, PGS,TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới Việt Nam, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát và rất khó để giữ mức lạm phát dưới 4%. Ngoài ra, vì Trung Quốc luôn là công xưởng của thế giới, việc phong toả nhiều trung tâm kinh tế khiến nền kinh tế thế giới cũng bị tác động mạnh.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu ý kiến tại tọa đàm |
Mặt khác, PGS,TS. Vũ Sỹ Cường lưu ý, tổng cầu của Việt Nam phục hồi khá chậm. Chẳng hạn, ngay ở Hà Nội, rất nhiều mặt bằng thuê cửa hàng đến thời điểm hiện tại vẫn trống, nhiều hãng đồ hiệu vẫn đóng cửa. Đây là một thách thức không hề nhỏ và để đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay là rất khó.
Trong khi đó, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong bức tranh kinh tế năm 2022.
TS. Trần Toàn Thắng phát biểu tại tọa đàm |
Một là, nguy cơ bùng phát trở lại của COVID-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.
Hai là, áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá khá rõ.
Ba là, xuất khẩu, nhất là nông sản bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống (Trung Quốc).
Bốn là, sự gia tăng về giá của các loại tài sản (vàng, bất động sản…) cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào sản xuất.
Khuyến nghị chính sách
Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức trong phần còn lại của năm 2021, VEPR đưa ra một số khuyến nghị chính sách hỗ trợ và phục hồi trong điều kiện bình thường mới.
Thứ nhất, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Thứ hai, nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do 2 yếu tố thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Thứ ba, dự kiến, trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.
Thứ tư, tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng, đó là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian tới.
Thứ năm, cần quyết liệt và nhanh hơn trong triển khai các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong Nghị quyết 11/NQ-CP, bên canh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Cuối cùng, tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.