Để thế hệ trẻ không thờ ơ với bản quyền
Văn hóa - Ngày đăng : 18:00, 27/04/2022
Cần là thế hệ tiên phong
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, theo số liệu khảo sát của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, tại Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, tại Hàn Quốc là 9,89% GDP; tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4,48% GDP. “Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý vi phạm”, lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu |
Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam đã nộp hồ sơ và vừa trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; phối hợp với Bộ TT & TT trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.
Về vai trò của thế hệ trẻ trong bảo vệ bản quyền, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt lưu ý, đây là thế hệ những người kiến tạo, sẵn sàng đối mặt thách thức, đặc biệt trên không gian mạng, khi điện thoại di động và Internet kết nối toàn cầu, thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và không gian mạng. Bối cảnh này tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy khả năng sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh. “Các bạn trẻ với nhiệt huyết, đam mê và sự năng động sẽ tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học; giữ vai trò tiên phong trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và cùng nhau kiến tạo nên một tương lai tươi sáng…”, Thứ trưởng tin tưởng.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng cho rằng, tọa đàm là sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Diễn đàn cũng là dịp để các cơ quan quản lý tiếp tục lắng nghe ý kiến, đặc biệt là nguyện vọng của thế hệ trẻ để hoàn thiện pháp luật, chính sách, tạo động lực phát triển các hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Đừng vô tư xâm phạm bản quyền
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng là chủ đề nóng, khó và cần thiết. Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới và không có lý gì khi thế giới làm được mà ta lại không làm được trong bảo vệ tác quyền. “Thời gian “sống” trong mạng xã hội, trên Internet của các bạn trẻ mỗi ngày càng nhiều hơn. Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng thần tốc, ngoạn mục. Ở đó có cơ hội và thách thức đặt ra cho tất cả, trong đó giới trẻ có sứ mệnh vô cùng lớn...”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng, Viettel nêu thực trạng, lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Đáng nói là, những bộ phim, bài hát, các chương trình video... từ nguồn cung cấp thông tin không chính thống ngày càng phổ biến, tốc độ lan tỏa nhanh. Từ đó, rất cấp bách là những vấn đề về bảo vệ bản quyền.
Tọa đàm trao đổi với các chuyên gia về các vấn đề bản quyền trên không gian mạng |
Một tọa đàm bàn tròn thảo luận trực tiếp về các vấn đề bản quyền trên không gian mạng với sự tham gia của các chuyên gia kinh nghiệm tiếp tục cung cấp nhiều thông tin thú vị. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) nêu, hành lang pháp lý về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, trong đó có những nền tảng quan trọng về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Bối cảnh hội nhập quốc tế cũng đang thúc đẩy Việt Nam nỗ lực thực thi hiệu quả những cam kết trong bảo vệ bản quyền theo các điều ước, hiệp ước quốc tế mà chúng ta tham gia. “Vấn đề nâng cao nhận thức về bản quyền trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến được ban hành trong thời gian có nhiều điểm mới, trong đó rất đáng chú ý là các nội dung về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng....”, bà Oanh cho biết.
Chia sẻ giải pháp về nâng cao vai trò của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT & TT), ông Lê Quang Tự Do cho rằng, cần giám sát và yêu cầu các ISP tôn trọng, thực thi các quy định pháp luật về bản quyền. Nền tảng Luật pháp của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện sẽ là điều kiện lý tưởng để yêu cầu các nhà ISP phải nghiêm túc thực thi. Ông Lê Quang Tự Do cảm thán: “Nhưng, có một thực tế rất cần khắc phục là người Việt Nam, bao gồm các bạn trẻ thường thích dùng “chùa” miễn phí, trong khi số tiền bỏ ra để đăng ký các ứng dụng thuê bao có bản quyền không hề đắt đỏ”.
Nhắc lại câu chuyện cậu thanh niên 18 tuổi quay lén và livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” vài năm trước, ông Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam thở dài, nhiều bạn trẻ chưa thấu hiểu những mất mát to lớn của nhà sản xuất nội dung, với số tiền nhiều tỉ đồng khi họ bị xâm phạm bản quyền. “Các bạn trẻ thì cứ xâm phạm một cách ngây thơ, nhưng nhiều khi cũng là cố ý. Trường hợp phimmoi.net, trang phim lậu đã trở thành “bất tử” với vô vàn phiên bản bởi không cần quảng bá vẫn có thể tồn tại, bởi chính người xem là đối tượng quảng bá. Khởi tố phimmoi.net, Việt Nam đã có vụ án đầu tiên về bản quyền bị khởi tố hình sự...”, ông Tuấn nêu và nhấn mạnh, nếu bản thân các bạn trẻ tự ý thức việc không xem phim, xem bóng đá lậu thì nhức nhối bản quyền sẽ ít đất để tồn tại hơn.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và các bạn trẻ |
Chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại để quản lý, phát hiện sai phạm về bản quyền được Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) thực thi trong thời gian qua, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm nhìn nhận, 20 năm qua, nhận thức trong bảo vệ bản quyền âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đã có nhiều chuyển biến. “Chúng ta đang đi từng bước, mưa dầm thấm lâu, đi đâu chắc tới đó để dần đạt đến sự ổn định. Điều đó rất cần sự đồng hành của công chúng yêu âm nhạc, đặc biệt là các bạn trẻ khi khai thác các bài hát, bản nhạc trên không gian mạng...”, ông Cẩn nói.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh bày tỏ, để trở thành thế hệ tiên phong bảo vệ bản quyền, những người trẻ trước hết hãy là thế hệ không thờ ơ với tác quyền. Mỗi người có thể có những lựa chọn để giải trí, tiếp cận sản phẩm nhưng hãy trên tinh thần tôn trọng sự sáng tạo, tôn trọng tâm sức và trí tuệ của người sáng tác và chủ sở hữu quyền tác giả.