Ngăn ngừa nợ xấu phát sinh

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:00, 28/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với các TCTD, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại việc tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 4/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 31/3/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 5% so với cuối năm 2021. Trong khi cùng kỳ năm trước tín dụng cả nước chỉ tăng 2%, tức là quý I năm nay tín dụng đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Điều đó cũng thể hiện rõ trong bức tranh tín dụng của TP.HCM những tháng đầu năm. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD trên địa bàn ước tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Trong đó tín dụng VND tăng 7,6% so với cuối năm ngoái và chiếm 93% tổng dư nợ tín dụng.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, 4 tháng đầu năm nay tín dụng tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng theo đà phục hồi kinh tế thành phố sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Tín dụng tăng mạnh nhất vào khu vực doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất khi mà đến hết quý I/2022 dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu vực này tăng 23,4%.

Theo số liệu từ các NHTM, nhìn chung doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất lâu nay vẫn sử dụng vốn hiệu quả hơn các lĩnh vực kinh doanh bên ngoài. Số liệu thống kê của các cơ quan hữu quan ở TP.HCM cũng cho thấy, khối doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp - khu chế xuất vẫn giữ được ổn định sản xuất trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội và những tháng hậu dịch bệnh, khu vực này có tốc độ phục hồi rất nhanh.

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường tiền tệ ổn định tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư. Đáng chú ý là mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được các TCTD duy trì ổn định, dù rằng lãi suất huy động ở nhóm NHTMCP có tăng nhẹ khoảng 0,17-0,2%. Trên thực tế các ngân hàng tăng lãi suất huy động chủ yếu ở các kỳ hạn dài hoặc cơ cấu lại một số kỳ hạn ngắn thu hút người gửi tiết kiệm và các sản phẩm tiết kiệm online…

Bên cạnh nỗ lực cung ứng vốn với lãi suất thấp, các TCTD trên địa bàn có tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí. Các biện pháp trên đã hỗ trợ chi phí tài chính, giảm áp lực trả nợ và tiếp tục bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối tháng 4/2022 các TCTD trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với tổng giá trị nợ trên 3,2 triệu tỷ đồng, đối với gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn góp phần giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong hai năm qua.

Hoạt động sản xuất kinh doanh vừa mới phục hồi, doanh nghiệp đã phải đối mặt với nhiều rủi ro mới, đặc biệt là giá nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng, từ đó khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó sau ngày 30/6/2022 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ hết hiệu lực.

Từ thực tế này đã có nhiều ý kiến đề xuất: Chính phủ nên cho phép ngành Ngân hàng kéo dài thời gian gia hạn nợ đến hết năm 2022, song có chọn lọc trong từng lĩnh vực kinh doanh và loại hình doanh nghiệp. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh để có nguồn thu trả nợ và lãi vay.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên kéo dài cơ chế gia hạn nợ bởi điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, Đoàn điều IV của IMF cũng khuyến nghị, việc tăng cường sức chống chịu của khu vực ngân hàng là thiết yếu để hỗ trợ một cách bền vững cho tăng trưởng trong trung hạn. Do đó, nên chấm dứt nới lỏng các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng khi sự phục hồi trở nên mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát đang lớn dần, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chuyển sang thắt chặt tiền tệ, Đoàn điều IV khuyến nghị, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Với các TCTD, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại việc tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.

Minh Phương