Những chiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 30/04/2022
Ngày 15/2/1961, tại Chiến khu D, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được Đảng ta thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc vào. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Miền - tiền thân của Bộ Chỉ huy Miền (10/1963), sau là Bộ tư lệnh Miền (3/1971).
Ngay khi thành lập, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã liên tiếp lập nhiều chiến công. Tiêu biểu là trận Ấp Bắc (năm 1963), mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam. Trong Chiến dịch Bình Giã (năm 1965), lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng hai trung đoàn bộ binh tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Tiếp đó là thắng lợi của các chiến dịch Ðồng Xoài (năm 1965), Ba Gia (năm 1965), đánh dấu bước phát triển về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Nhằm cứu vãn tình thế thất bại, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ðể đánh thắng chiến lược chiến tranh mới, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tích cực nghiên cứu nắm địch, chủ động phát triển nhanh lực lượng, đẩy mạnh tác chiến. Những chiến thắng Vạn Tường (năm 1965), Plây Me (năm 1965)... đã chứng minh bước trưởng thành vượt bậc của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (năm 1965) cũng đã mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”.
Một số thành viên trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương thuộc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1968. Ảnh: tư liệu lịch sử |
Phát triển thế tiến công, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 – 1967 của Mỹ. Trong đó nổi bật là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bẻ gãy cuộc hành quân Junction City (năm 1967) với 45.000 quân Mỹ.
Những chiến thắng giòn giã nói trên đã củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị về quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở màn vào đêm 30 và 31/1/1968. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân ta đã đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ ngụy và chư hầu bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968. Kết quả trong năm 1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Bị thua đau, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, xâm lược Lào, Campuchia. Bởi vậy, trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược, nhằm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng.
Thực hiện chủ trương trên của Bộ Chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Kết quả, Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 11 triệu dân). Bộ đội chủ lực ta trở về miền Nam đứng vững trên những địa bàn quan trọng, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển. Thắng lợi của cuộc tiến công đã góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973) và rút hết quân ra khỏi miên Nam nước ta.
Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cả năm 1975 là thời cơ và chỉ rõ nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.
Sau chiến thắng giòn giã của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định về thời cơ chiến lược đã đến và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” vào ngày 14/4/1975.
Ngày 7/7/1976, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước đã hoàn thành, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở lại tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam.