VPBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:58, 29/04/2022
Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Báo cáo tại đại hội, ông ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng VPBank đã vượt qua năm 2022 với nhiều kết quả tích cực, giữ vững đà tăng trưởng và duy trì hiệu quả hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
Bàn chủ tọa tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của VPBank |
Tạo dựng nền tảng vững chắc
Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, năm 2021 đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động của VPBank với sự kiện ngân hàng hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản và một đối tác khác vào tháng 10/2021, xác lập kỷ lục thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam.
Thành công trong thương vụ bán FE Credit cho SMBC đã đưa VPBank lên vị thế hàng đầu về quy mô vốn chủ sở hữu đạt mức gần 90.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.
Trong năm qua, VPBank cũng hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng, đưa ngân hàng trở thành ngân hàng có mức vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường tại thời điểm cuối năm 2021.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 547.000 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2020 và là một trong ba ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng quy mô. Kết quả này được đóng góp từ sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động tín dụng tăng 18,9% và nguồn tiền lớn thu được từ giao dịch thoái vốn tại FE Credit.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững vị trí số một khối ngân hàng tư nhân.
Chí phí hoạt động tiếp tục được quản lý hiệu quả trong năm qua khi chỉ số CIR giảm hơn 5% xuống 24,2% vào thời điểm cuối năm 2021 đã giúp VPBank trở thành ngân hàng có hiệu quả sử dụng chi phí tốt nhất trong hệ thống ngân hàng góp phần đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 14..400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 11.477 tỷ đồng.
Theo báo cáo được ông Nguyễn Đức Vinh trình bày, có 2 mảng chưa đạt chỉ tiêu trong năm 2021. Đầu tiên là huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng thấp hơn, song điều này cũng phù hợp với chủ trương tối ưu hoá nguồn vốn của VPBank. Chỉ tiêu tiếp theo lợi nhuận hợp nhất chưa đạt chỉ tiêu – nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ngân hàng phải dự phòng nhiều. Thực tế, VPBank bị hụt thu rất lớn từ FE Credit do dư nợ giảm, trích lập dự phòng tăng và phải hỗ trợ nhiều cho khách hàng.
Tuy hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong năm 2021 nhưng ngân hàng mẹ VPBank đã có một sự bứt phá mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ ghi nhận gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, chủ yếu đến từ thương vụ thoái vốn FE Credit.
Kết thúc năm 2021, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất lần lượt đạt 2,5% và 19,8%, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ nợ xấu đến hết năm 2021 ở mức 1,51%.
Với những thành quả đạt được, VPBank tiếp tục củng cố vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Đặt kế hoạch khủng về lợi nhuận và vốn điều lệ
Toàn cảnh đại hội |
Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục trở lại, ngành Ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực, đặc biệt năm 2022 là năm quan trọng khi VPBank bước vào năm cuối cùng của chiến lược 5 năm giai đoạn 2018 - 2022... VPBank đặt mục tiêu trở thành một ngân hàng đa năng, toàn diện, trong đó tập trung vào các phân khúc chiến lược như: tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, VPBank cũng ưu tiên mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái đầu tư như: ngân hàng đầu tư, chứng khoán... để gia tăng cơ hội tăng trưởng cho các phân khúc chiến lược cũng như tìm kiếm các cơ hội M&A.
Đặc biệt, số hóa vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, giúp tăng hiệu suất và cải thiện chất lượng hoạt dộng, tăng trải nghiệm gắn kết khách hàng với các hoạt động của ngân hàng.
Với nền tảng vững chắc đã tạo dựng được, ngân hàng tự tin đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, VPBank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản năm 2022 lên 697.413 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2021; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 413.060 tỷ đồng, tăng 27,8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế ở mức 29.662 tỷ đồng, tăng 106,5% so với năm 2021.
Tại ngân hàng riêng lẻ, VPBank đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 35% (nếu được NHNN cho phép và tuỳ thuộc diễn biến thị trường). Mức tăng trưởng này đã được tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, số liệu thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ, trên cơ sở các sáng kiến cũng như chiến lược mà ngân hàng đã và đang triển khai.
Một nội dung quan trọng được các cổ đông thảo luận và thông qua, đó là kế hoạch tăng vốn. Theo đó, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng (79.334.296.800.000 đồng) trong năm 2022.
Để tăng vốn lên gần 80.000 tỷ đồng, VPBank sẽ tăng vốn qua 2 phương án, bao gồm phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể:
Phương án 1: VPBank sẽ phát hành tối đa 2.237.736.693 cổ phiếu để tăng vốn thêm hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 2 và/hoặc quý 3 năm 2022. Qua lần tăng vốn đầu tiên, vốn mới của VPBank sẽ là hơn 67.400 tỷ đồng.
Phương án 2: là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, để tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên đến tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến là 1.190.000.000 cổ phiếu, tương đương mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 15% vốn điều lệ sau phát hành. Mức giá phát hành do Hội đồng Quản trị quyết định theo thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên, đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.
Thời gian dự kiến phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài là sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; dự kiến thực hiện trong năm 2022. Vốn điều lệ mới sau khi bán cho nước ngoài của VPBank dự kiến là hơn 79.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, VPBank cũng có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, trong đó dự kiến 10 triệu cổ phiếu cho CBNV là người nước ngoài tại ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của việc tăng vốn "khủng" trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho rằng, việc thị trường có thuận lợi hay không cũng không ảnh hưởng. Do đó, tăng vốn sẽ thực hiện được bình thường theo đúng lộ trình đã đề ra.
Đối với câu hỏi của cổ đông về việc VPBank nhận chuyển giao một TCTD yếu kém, ông Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank đang nghiên cứu tham gia hỗ trợ nhận chuyển giao một TCTD yếu kém. Nhưng do vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa thể thông tin cụ thể. Dẫu vâỵ, ông Ngô Chí Dũng cũng cho biết, nếu có tham gia tái cơ cấu TCTD bắt buộc thì cũng sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng nhưng còn quá sớm để khẳng định điều đó.
"Nhiệm vụ của HĐQT là làm sao để hoạt động ngân hàng tốt nhất qua đó giá trị của ngân hàng và cổ phiếu đi lên chứ chúng tôi không thể làm cho giá cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên VPBank đang có bộ đệm về vốn, nền tảng tốt, có thể năm tới sẽ xin mua cổ phiếu quỹ và trong thời điểm thích hợp có thể bán đi và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng", ông Ngô Chí Dũng trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ngân hàng có hỗ trợ giá cổ phiếu trong năm 2022 hay không.
Tại đại hội, các cổ đông của VPBank đã thông qua 18 nội dụng quan trọng như: Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2021; báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022; phương án phân phối lợi nhuận 2021; tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa; phương án tăng vốn điều lệ; phương án ESOP....
Kết luận tại ĐHĐCĐ, ông Ngô Chí Dũng khẳng định: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".