Vietcombank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022

Tin hội viên - Ngày đăng : 19:28, 29/04/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Sáng ngày 29/4/2022, tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) lần thứ 15, năm 2022.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông Vietcombank năm 2022

Tại Đại hội, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT trình bày Báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2021 và định hướng năm 2022; Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành trình bày Báo cáo của Ban điều hành về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và định hướng 2022; Ông Lại Hữu Phước – Trưởng Ban Kiểm soát trình bày Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả hoạt động năm 2021 và định hướng hoạt động năm 2022…

Đại hội cũng đã triển khai xem xét các nội dung quan trọng khác là: Tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023; Tờ trình thông qua Báo cáo tài chính đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2021; Tờ trình về mức thù lao cho HĐQT và BKS năm 2022; Tờ trình về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ năm 2023; Tờ trình thông qua việc niêm yết trái phiếu Vietcombank phát hành ra công chúng năm 2022; Tờ trình về việc bổ sung hoạt động cung cấp bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán vào hoạt động của Vietcombank; Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 của Vietcombank; Tờ trình về việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng …

Trong Đại hội, Đoàn Chủ tọa đã nhận được những ý kiến từ các cổ đông và toàn bộ các ý kiến đã được Đoàn Chủ tọa giải đáp rất đầy đủ và rõ ràng.

Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT trình bày báo cáo tại Đại hội

Đại hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2023. Theo đó, với sự nhất trí cao, ĐHĐCĐ đã bầu bà Trần Mỹ Hạnh – Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ Vietcombank là thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Năm 2021, trong bối cảnh phải đối diện với những khó khăn, thách thức chung chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài với nhiều biến chủng nguy hiểm, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động: (i) Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. (ii) Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (iii) Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất trong ngành ngân hàng (424%). Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. (iv) Doanh số thanh toán quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ đô la Mỹ, giúp thị phần tiếp tục được mở rộng. (v) Vietcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietcombank đã được thị trường đón nhận rất tích cực, đưa quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ đô la Mỹ khi khép lại năm 2021.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành trình bày báo cáo Đại hội

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước với quy mô nộp ngân sách 11.000 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng chủ động tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội (ASXH) vì cộng đồng, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của một thương hiệu lớn. Trong năm 2021, Vietcombank đã thực hiện các chương trình ASXH với tổng số tiền cam kết  723 tỷ đồng, trong đó ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 số tiền 381 tỷ đồng. Vietcombank đã triển khai một loạt các chương trình, hoạt động ủng hộ, ưu đãi, tri ân các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ. Tiếp nối những thành công trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý 1 năm 2022 ghi nhận những kết quả ấn tượng: Quy mô tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành (huy động vốn tăng trưởng 3,7%, tín dụng tăng trưởng 6,9%); Cơ cấu hoạt động tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đạt 35%, dư nợ bán lẻ chiếm trên 55% danh mục tín dụng; Chất lượng tín dụng được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu 0,8%; Hiệu quả kinh doanh cao, quy mô lợi nhuận hợp nhất đạt 9.950 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.

Các Cổ đông biểu quyết tại Đại hội

Sau khi xem xét và trao đổi, Đại hội đã phê duyệt các định hướng lớn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh cơ bản cho năm 2022, cụ thể: (i) Phương châm hành động: Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững; (ii) Quan điểm chỉ đạo điều hành: Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo; (iii) Các chỉ tiêu chính: Tổng tài sản: tăng 8%; Huy động vốn: tăng 9%; Dư nợ tín dụng: tối đa tăng 15%; Lợi nhuận trước thuế: tăng tối thiểu 12%; Tỷ lệ nợ xấu: thấp hơn 1,5%; Chi trả cổ tức: theo phê duyệt của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.

Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 15 của Vietcombank đã biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chiến lược phát triển bền vững của Vietcombank theo mục tiêu đã đặt ra.

Từ những thành quả đã đạt được trong năm 2021, Vietcombank đang củng cố nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Với nỗ lực quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ trong toàn hệ thống, Vietcombank sẽ tập trung nguồn lực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ giao, đưa Vietcombank phát triển hơn nữa với mục tiêu chiến lược là giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Đ.T