VinaCapital: Dẫn đầu về bình đẳng giới giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:30, 05/05/2022
Việt Nam thường xuyên được đánh giá cao vì có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao nhất so với khu vực châu Á và cao so với toàn thế giới, VinaCapital cho biết. Nhiều công ty hàng đầu của Việt Nam được điều phối bởi CEO là nữ, và 28% vị trí quản lý hàng đầu ở Việt Nam do phụ nữ nắm giữ, cao hơn so với tỉ lệ 19% của toàn thế giới. Do đó, Việt Nam đứng thứ 26 trong số 156 quốc gia trong Bảng xếp hạng khoảng cách giới toàn cầu 1 (Global Gender Gap Ranking) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (IMF), được OECD đánh giá là có mức độ phân biệt đối xử “thấp” và theo như Rosenburg Research, một công ty nghiên cứu thị trường chứng khoán độc lập, “trong các thị trường mới nổi, Việt Nam thường được coi là tấm gương đáng để noi theo”.
Có rất nhiều nghiên cứu kinh tế chứng minh từ thực tiễn rằng tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động có mối quan hệ tỉ lệ thuận với GDP và tăng trưởng năng suất lao động, từ đó làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng trong dài hạn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển thực hiện các chính sách mà Việt Nam đã tiên phong triển khai trong nhiều năm về trước nhằm tận dụng triệt để nguồn động lực giúp tăng trưởng kinh tế dài hạn này.
Bên cạnh những lợi ích vĩ mô đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, luôn nhấn mạnh về những lợi ích mà quỹ đầu tư tư nhân (private equity) của VinaCapital đã gặt hái thành công từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Điều này đã được ông Andy Ho đề cập trong Chương 4 của cuốn sách “Crossing the Street” ghi lại những kinh nghiệm đầu tư chuyên nghiệp của ông tại Việt Nam. Chẳng hạn, ông Andy Ho chỉ ra rằng, các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành mà VinaCapital đầu tư có xu hướng tập trung hơn vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ ngay cả khi các doanh nghiệp đó đã phát triển và rất thành công, đồng thời nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc lãnh đạo một số công ty lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Năm 1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Việt Nam được thành lập để tập hợp phụ nữ đấu tranh giành độc lập từ Pháp. Sau đó, tổ chức này đổi tên thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) và hiện đang theo đuổi một loạt các mục tiêu, bao gồm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đào tạo nghề. Việc thành lập Hội LHPNVN cách đây gần 100 năm là bước đi đầu tiên trong một loạt các bước tiên phong nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, bao gồm việc thành lập các tổ chức/nhóm vận động khác nhau, và đưa các quyền nữ giới cùng các biện pháp bảo vệ pháp lý cho phụ nữ vào luật pháp của Việt Nam. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã sớm ký cam kết về bình đẳng giới, điều này đã giúp Việt Nam xây dựng một khung pháp lý về bình đẳng giới “được công nhận rộng rãi là toàn diện” bởi Liên hợp quốc. Đáng chú ý hơn, Việt Nam còn xây dựng một luật riêng về vấn đề bình đẳng giới.
Các kết quả tích cực khác của những nỗ lực này bao gồm: 77% nữ sinh Việt Nam được đi học trung học phổ thông, cao hơn so với tỉ lệ 68% của nam giới; cơ quan lập pháp của Việt Nam xếp thứ 53 trong số 193 quốc gia về tỷ lệ đại diện nữ giới; Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam 81,9 trên 100 điểm về chỉ số quyền lợi hợp pháp của phụ nữ - cao hơn mức xếp hạng trung bình 76,1 của các nước trên thế giới.
Dưới quan điểm của VinaCapital, giáo dục trẻ em gái là chính sách hiệu quả nhất mà một quốc gia đang phát triển có thể thực hiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế lâu dài của mình, vì vậy thành tựu này đặc biệt đáng khích lệ trên quan điểm đầu tư.
"Chúng tôi thấy có hai lĩnh vực đáng quan tâm mà các vấn đề liên quan đến giới tính có thể cản trở tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Thứ nhất, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và sự tham gia lao động của phụ nữ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. Nguyên nhân là do họ chiếm số đông trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, khách sạn và sản xuất hàng may mặc (cũng như các hoạt động sản xuất nhẹ khác), và các lĩnh vực này đều bị tác động nặng nề trong đại dịch. Thứ hai, mặc dù điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đối với nữ lãnh đạo ở các thành phố lớn của Việt Nam rất thuận lợi, hơn 60% dân số vẫn đang sống bên ngoài các đô thị lớn, nơi mà phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể", ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết.
Bên cạnh đó, phụ nữ sở hữu dưới 20% đất nông nghiệp ở Việt Nam, thấp hơn tỉ lệ xấp xỉ 50% đối với nam giới. Điều này khiến các doanh nghiệp nông nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn trong việc vay tiền để làm những việc như mở rộng trang trại, hoặc nâng cấp thành doanh nghiệp cần thường xuyên sử dụng vốn cao như chế biến thực phẩm. Do đó, gần 90% phụ nữ kiếm sống trong ngành nông nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tự cung tự cấp, theo như nghiên cứu của Liên hợp quốc.
Việt Nam từ lâu đã là quốc gia tiên phong về quyền bình đẳng của phụ nữ và được biết đến rộng rãi như một nơi phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng chính thức theo pháp luật. Phụ nữ có tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động cao và có khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế cao, đặc biệt ở các khu vực thành thị của đất nước. Những bước đi tiên phong trong vấn đề bình đẳng giới của Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước, từ đó tạo ra cơ hội sinh lời hấp dẫn khi đầu tư vào các công ty niêm yết hay tư nhân cho các quỹ đầu tư như VinaCapital.