Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022): Bác Hồ với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 07/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào tháng 9/1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã bày tỏ: “Tên tuổi của Người sẽ gắn liền với thắng lợi Điện Biên Phủ… Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đầy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Ả-rập, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” .

Bác Hồ với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày 7/5/1953, Đại tướng Henrri Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương.

Lúc này, sau 8 năm xâm lược Việt Nam, Pháp đã thiệt hại 390.000 quân và vùng chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7/1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc, Thủ đô Kháng chiến của ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Guinea ở châu Phi, ngài Ahmed Sékou Touré sang thăm nước ta vào tháng 9/1960. Ảnh tư liệu lịch sử.

Vào tháng 10/1953, Bộ Chính trị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Đối với kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.

Tháng 11/1953, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải bị động phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. “Canh bạc Điện Biên Phủ” đã tiêu tốn hơn 40% quân số viễn chinh của Pháp ở Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”.

Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ can thiệp. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động được 260.000 dân công, bằng 12 triệu ngày công để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng khối lượng cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, vũ khí, y tế….

Trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công cùng với bộ đội làm được 89km đường mới, sửa chữa, nâng cấp 500km đường.

Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập), sau đó, làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. 

Ngày 16/3/1954, địch cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm.

Đánh vào khu đông, ta chiếm lĩnh phần lớn các điểm cao quan trọng ở phía đông, củng cố từ trên đánh xuống, tạo thêm điều kiện chia cắt, bao vây, khống chế địch, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.

Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía đông và phía tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch.

Ngày 4/5/1954, địch thả tiểu đoàn dù dự bị cuối cùng xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, quân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Nói về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Thế giới ghi nhận

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954), đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,… Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu lịch sử

Tạp chí Time (Mỹ) số ra ngày 22/11/1954 đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh, với thắng lợi này, uy tín của Người đã “vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á”.

Nhìn lại để đánh giá, quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương chỉ chiếm 25% quân số, số còn lại được huy động từ 17 nước thuộc địa. Chính vì vậy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay bởi những người lình thuộc địa này đã mang tinh thần đấu tranh của người Việt Nam trở về quê nhà. Khởi đầu là Mặt trận dân tộc giải phóng Algérie đã ra đời. Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954-1962), Nhân dân Algérie đã buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Tháng 9/1969, Ban Chấp hành trung ương Đảng châu Phi đấu tranh cho nền độc lập Sénégal đã bày tỏ: “Chúng tôi sẽ không quên rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam anh hùng giáng cho chủ nghĩa thực dân Pháp một thất bại quyết định, do đó đã thúc đẩy và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thức tỉnh ý thức dân tộc và ý thức giành độc lập chính trị của nước chúng tôi”[1].

Huari Bumédienne, Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Algérie giai đoạn 1965-1978 đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”[2].

Ahmed Sékou Touré, Tổng thống nước Cộng hòa Guinea giai đoạn 1958-1984, đã nhận định: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”[3].

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp vào ngày 4/9/1969 đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tượng trưng cho cuộc đấu tranh thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc”[4].

Phát biểu tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 12/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến thuật và chiến lược trong sáng của Người, một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình”[5].

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhấn mạnh thêm: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[6].


[1] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.363

[2] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.285

[3] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.331

[4] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.570-571

[5] Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb.Thế giới, Hà Nội, 2020, tr.69

[6] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.

Nguyễn Văn Toàn