Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác điều hành

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:18, 09/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2021 - 2022 NHNN sẽ cắt giảm 5% tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, cụ thể gồm nội dung cắt giảm, đơn giản hóa 27 quy định thủ tục hành chính tại 7 Thông tư, 1 Nghị định do NHNN đầu mối xây dựng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “cải cách hành chính nội bộ và kiểm điểm tình hình thực hiện Quy chế làm việc” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuối tuần qua. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thủ trưởng Cơ quan hành chính NHNN Trung ương chủ trì.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chỉ đạo tại Hội nghị

Cải cách hành chính nội bộ đạt kết quả tích cực

Báo cáo kết quả chung về công tác cải cách hành chính (CCHC), Chánh Văn phòng NHNN Trần Anh Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 với trọng tâm là hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho hoạt động của các TCTD; cùng với đó là sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của NHNN tinh gọn, hoạt động công vụ chuyên nghiệp; chuyên đổi phương thức làm trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.

Bám sát kế hoạch CCHC, toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực cải cách của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều được các đơn vị chức năng tổ chức triển khai tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp trong năm 2021, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Văn phòng đã tập trung công tác tham mưu, giúp việc và theo dõi, đôn đốc các đơn vị hoàn thành đúng thời hạn, có chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm của NHNN, các kết luận chỉ đạo của NHNN, phục vụ và đáp ứng tốt nhất công tác chỉ đạo điều hành của Ban Lãnh đạo NHNN.

Trong lĩnh vực cải cách hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả; khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh; phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đảm bảo an ninh an toàn trong các giao dịch thanh toán; kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Về rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1844/QĐ-TTg ngày 02/11/2021 về phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2021- 2022 NHNN sẽ cắt giảm 5% tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, cụ thể gồm nội dung cắt giảm, đơn giản hóa 27 quy định thủ tục hành chính tại 7 Thông tư, 1 Nghị định do NHNN đầu mối xây dựng.

Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN (thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP); nghiên cứu thành lập đơn vị độc lập thuộc NHNN quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý và có chất lượng tốt.

NHNN tiếp tục tổ chức thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn về vốn và tài sản, đáp ứng đầy đủ kinh phí cho yêu cầu hoạt động thường xuyên của các đơn vị thuộc NHNN, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để dành nguồn lực phòng, chống COVID-19.

Về hiện đại hóa hoạt động hành chính tại NHNN, Chánh Văn phòng NHNN Trần Anh Tuấn cho biết, trong năm 2021, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ như: triển khai kết nối, đồng bộ các dịch vụ công mức độ 3, 4 của NHNN với Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai điện tử hóa các báo cáo định kỳ và kết nối hệ thống báo cáo với hệ thống báo cáo của Chính phủ; triển khai phần mềm của Chính phủ về rà soát điều kiện kinh doanh; triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí của NHNN.

Về truyền thông CCHC, NHNN đã kịp thời cung cấp thông tin rộng rãi, kịp thời tới toàn xã hội về hoạt động CCHC; đồng thời có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, cả truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình đăng tải, cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ về kết quả công tác CCHC của ngành Ngân hàng.

Việc thực hiện công tác cải cách nội bộ và thực hiện quy chế làm việc của NHNN đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị tại NHNN. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Ban Lãnh đạo NHNN, các đơn vị đã tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác phối hợp, hạn chế xin ý kiến bằng văn bản qua lại, tăng cường trao đổi trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xử lý công việc của NHNN. Nhờ đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chung của Ngành.

“Bám sát chỉ đạo của Ban Lãnh đạo NHNN, đặc biệt là Chỉ thị của Thống đốc về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng hàng năm, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng và Vụ Pháp chế để xây dựng chương trình công tác gồm các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện và chương trình xây dựng Thông tư của NHNN. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Lãnh đạo NHNN, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong năm 2021, tỷ lệ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ trọng tâm được giao đạt gần 97% tăng so với trước đây”, Chánh Văn phòng NHNN Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo cụ thể hơn các công việc triển khai, đồng thời chia sẻ cách thức làm việc, phối hợp để triển khai cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá cao công tác CCHC, thực hiện Quy chế làm việc của các đơn vị thuộc NHNN đã có chuyển biến tích cực. Nhờ những cải tiến, chấp hành kỷ cương trong công việc rất tốt của các đơn vị đã giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao hiệu quả công tác phối hợp của các đơn vị thuộc NHNN cũng như với các Bộ, ngành khác.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc lưu ý, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quy chế làm việc, CCHC cần phải lưu ý như việc triển khai chương trình công tác, nhiệm vụ, kể cả những nhiệm vụ thường xuyên tại một số đơn vị còn thiếu chủ động; việc cải tiến các quy trình xử lý công việc trong nội bộ một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức…

Phó Thống đốc nhấn mạnh, năm 2022 là năm rất khó khăn đối với ngành Ngân hàng, nhất là từ nay đến cuối năm, NHNN xây dựng nhiều Thông tư, Nghị định để triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát lạm phát.

Do vậy, Phó Thống đốc yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị thuộc NHNN bám sát, triển khai các nhiệm vụ được nêu ra trong báo cáo, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Tăng cường hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, đề xuất trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là soạn thảo, xây dựng văn bản, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, gắn với việc chấp hành quy chế làm việc và hiệu quả công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính nội bộ; chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định nội bộ của NHNN; đảm bảo trật tự nội bộ, văn hoá công sở, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ,…

Bên cạnh đó, các đơn vị được giao đầu mối xử lý công việc cần phát huy vai trò đầu mối; chủ động, kịp thời trong công tác phối hợp; tăng cường theo dõi, đôn đốc đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn và chất lượng công việc. Bên cạnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, các đơn vị phát động sáng kiến trong cán bộ, người lao động để cải cách điều hành, hoạt động của cơ quan.

Thanh Hải