Fed tăng lãi suất sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, dự báo biến động không quá lớn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:20, 09/05/2022
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Tuần qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất ở mức cao lịch sử trong vòng 2 thập kỷ qua và giảm quy mô tài sản nắm giữ ở mức cao kỷ lục, với kỳ vọng kiềm chế lạm phát nhưng vẫn không để kinh tế suy thoái.
Cụ thể, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách tháng 5/2022, đưa lãi suất cơ bản của lên mức 0,75 – 1,0%. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm Fed nâng 50 điểm cơ bản trong một phiên họp. Đồng thời, đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp Fed nâng lãi suất sau 2 năm liên tục hạ lãi suất xuống mức gần 0% để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo thông báo của Chủ tịch Fed Jerome Powe tại buổi họp báo sau phiên họp, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Quan điểm của Ủy ban thị trường mở Fed là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp, hiện Fed chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản. Dự báo của CME Group cho thấy, thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3,25% vào cuối năm 2022.
Cùng với động thái nâng lãi suất, Fed cho biết sẽ giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán, hiện đang ở mức cao kỷ lục 9.000 tỷ USD. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm quy mô tài sản trên bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra ở mức chậm hơn kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, từ đầu tháng 6/2022, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Có thể thấy, Fed đưa ra tín hiệu để thị trường hiểu rằng Fed đang có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc kiềm chế lạm phát và cũng tránh gây ra suy thoái kinh tế; trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, đồng thời chính sách "zero covid" của Trung Quốc đang giảm đà phục hồi kinh tế thế giới.
Vậy, quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?. Trả lời câu hỏi này, trong Bản tin vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mssb Research) cho rằng, việc tăng lãi suất chính sách của Fed có khả năng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới ở một số khía cạnh sau.
Trước hết, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP năm 2021 ở mức khoảng 185%) trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu (XK) hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, XK của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch XK của Việt Nam).
Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do: (i) dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao, góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá; (ii) nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD); và (iii) NHNN tiếp tục điều hành chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. Với sự kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường của NHNN, dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8-1,2%.
Đồng thời, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, lãi suất cao ở Mỹ sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia nhận định, NHNN Việt Nam, cũng như NHTW các nước mới nổi ở châu Á, chưa chịu áp lực tăng lãi suất ngay sau khi Fed nâng lãi suất. Đó chủ yếu là do: Lạm phát ở các nền kinh tế này còn đang ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng CPI chưa đến mức tăng vọt; cho phép các NHTW các nước này có chính sách thích ứng từ từ.
Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á đang có vẻ yếu đi. Vì vậy, MSB Research cho rằng, mục tiêu phục hồi kinh tế vẫn là số một đối với các quốc gia này. Dự trữ ngoại hối ở mức cao và tiếp tục tăng, thặng dư cán cân vãng lai hiện tại có thể bảo vệ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á khỏi áp lực thoái vốn.
Với Việt Nam, mặc dù không kỳ vọng NHNN cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt của mình, nhưng giới chuyên gia cho rằng NHNN sẽ không nâng lãi suất này điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. “NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở như bơm thanh khoản tiền đồng; mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các NHTM…”, MSB Research cho biết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế bắt đầu có sự hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát; để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương (NHTW) các nước, nhất là Fed, có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất… TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, cần xây dựng kế hoạch với các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài. Chủ động, linh hoạt và phối hợp chính sách, thực thi chính sách hiệu quả hơn là rất cần thiết.