Ban IV kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 16:33, 09/05/2022
Theo đánh giá của Ban IV, Việt Nam công bố mở cửa du lịch từ ngày 15/3 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành Du lịch. Từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, trên phạm vi toàn quốc, đã có rất nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để triển khai và tận dụng chủ trương, đồng thời cũng chú trọng việc phối hợp chặt chẽ công - tư trong quá trình này. Sau gần 2 tháng kể từ khi có chủ trương nêu trên và sau những nỗ lực bước đầu, các doanh nghiệp nhận thấy còn không ít khó khăn cả khách quan và chủ quan, bao gồm một số rào cản kỹ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi cụ thể.
Các chuyên gia đánh giá: cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine làm tạm thời mất thị trường du khách Nga và Ukraina; khó khăn cho việc đi lại của du khách nhiều nước tới Việt Nam và đẩy giá thành các chuyến du lịch tăng cao; thu nhập khả dụng của du khách bị giảm và làm giảm sự tự tin của khách về an ninh, an toàn khi đi du lịch. Trong khi đó, các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa nhiều triển vọng để thu hút khách. Chủ quan cho thấy, qua ý kiến chuyên gia và phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, hàng không xuất hiện một số vấn đề. Trong đó, thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường khách mục tiêu nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế chưa thể bộc lộ rõ ngay sau khi công bố quyết định mở cửa. Bên cạnh đó có sự hạn chế ở truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu.
Các quy định về y tế của Việt Nam đối với du khách quốc tế sau thời điểm tuyên bố mở cửa du lịch đã có những thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhưng chưa thật sự theo kịp tình hình, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch...
Để đạt và thậm chí kỳ vọng vượt mục tiêu năm 2022 là đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam nói chung có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, Ban IV cùng cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế. Các thông tin chính sách, quy định liên quan, cần được cập nhật thường xuyên, trực quan, dễ hiểu trên đầy đủ các kênh, bằng các ngôn ngữ phổ biến, để đạt được tính kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước; tăng cường hoạt động e-marketing và cần gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEA Games 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.
Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như: Bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid”. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng: mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan,... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày. Áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch. Giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Các địa phương phân công rõ một đầu mối cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định, quy trình ứng xử liên quan cho doanh nghiệp với tinh thần công - tư phối hợp chặt chẽ để gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương của Chính phủ. Công khai thường xuyên và đảm bảo tính cập nhật trên các trang thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp lập và thực hiện các kế hoạch với du khách thực sự thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay còn tồn tại việc viện dẫn, hướng dẫn, thực thi các quy định chưa đồng bộ hoặc không rõ ràng ở các sở, ngành, đầu mối khác nhau, nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn ở khâu triển khai với đối tác, du khách quốc tế.
Trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch inbound (khách quốc tế tới Việt Nam) 2022, Ban IV đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần (bao gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân và một Ban Thư ký hỗ trợ tích cực), hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời. Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ VHTTDL thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn…