Moody's: Hiệu quả kinh doanh ngành ngân hàng Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:05, 11/05/2022
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Báo cáo của Moody's cho biết, bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh, kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021, cụ thể:
Doanh thu tăng đáng kể khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục mở rộng, điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) gia tăng dù phải đẩy mạnh dự phòng rủi ro cho vay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ có vấn đề giảm nhờ các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, trong khi sức khỏe nguồn vốn được cải thiện.
Moody’s cho biết, nhờ thu nhập lãi thuần gia tăng, ROA bình quân của các ngân hàng được xếp hạng đã tăng từ mức 1,2% trong năm 2020 lên 1,4% vào năm 2021. Trong đó, NIM mở rộng nhờ chi phí huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào và đẩy mạnh thu hút tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp.
Moody's dự báo, ROA của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tiếp tục tăng trong 2022 khi áp lực dự phòng rủi ro giảm dần.
Tỷ lệ nợ có vấn đề/tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng được xếp hạng đã giảm từ mức 1,9% năm 2020 xuống còn 1,7% vào cuối năm 2021. Moody's dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề sẽ ổn định và áp lực dự phòng tại các ngân hàng sẽ giảm trong năm 2022 do hầu hết có đủ bộ đệm rủi ro.
Moody’s cho biết, LienVietPostBank, ACB, VIB là 3 ngân hàng có chi phí tín dụng thấp nhất hệ thống trong hai năm gần nhất và chi phí tín dụng sẽ có xu hướng giảm vào năm 2022.
Cũng theo Moody’s, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng đã tăng lên 100% vào cuối năm 2021 từ mức 96% một năm trước đó, do các ngân hàng đã tận dụng vay liên ngân hàng rẻ hơn để giảm các khoản tiền gửi có kỳ hạn đắt hơn. Những nhà băng sử dụng phương án này hiệu quả được Moody's đề cập bao gồm VIB, SeABank và VPBank. Tổ chức này kỳ vọng tỷ lệ LDR sẽ ổn định ở mức hiện tại do các quy định đối với việc sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Về triển vọng cho năm nay, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đều đánh giá, lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng tích cực nhưng sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt. Theo đó, tiềm năng tăng trưởng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.