Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch
Công nghệ - Ngày đăng : 17:30, 12/05/2022
Sự kiện thu hút hơn 1.000 tham dự gồm đại diện các Sở Công Thương phía nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM. VOBF 2022 xoay quanh việc đưa ra các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp (DN) nhanh chóng hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng lớn và ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Diễn đàn thương mại điện tử Việt Nam 2022 - Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, diễn đàn năm nay gồm 4 phiên với các chủ đề: Tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử. Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam đánh giá, trong đại dịch, thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Với đà đó, bà Trang khẳng định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.
Trên thực tế, trong một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố hồi tháng 3/2022 cho thấy, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỉ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Cũng theo Sách Trắng TMĐT Việt Nam năm 2021 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, tiêu chí người tiêu dùng quan tâm khi mua sắm trực tuyến ngày càng cao do ngày càng có nhiều sự lựa chọn hàng hóa.
Tiêu chí hàng đầu là uy tín của sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các chính sách ưu đãi có lợi dành cho người mua, sau đó mới đến tính đa dạng, chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua hàng.
Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Và hiện nay ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng-đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Cũng theo báo cáo này, phân khúc giá 200.000-500.000 đồng/sản phẩm dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín.
Từ các con số nghiên cứu và thống kê trên, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nắm bắt để có thể tận dụng và đưa ra chiến lược kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến nói chung và TMĐT nói riêng một cách hiệu quả nhất đối với từng đối tượng khách hàng mà DN hướng tới.