Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt từ 5,5-6%

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:13, 13/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc. Với những diễn biến tích cực từ đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ ở mức 5,5 - 6%.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được đảm bảo, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Toàn cảnh Diễn đàn

Kịch bản tăng trưởng và triển vọng kinh tế năm 2022

Nhìn lại kinh tế quý I/2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, điều đáng mừng là Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

“Với vai trò là Cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Với những kết quả khả quan trong những tháng đầu năm và công tác điều hành quyết liệt của Chính phủ nhằm hồi phục và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một số tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%...

Dưới góc nhìn của tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá, với tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp cho Việt Nam việc chuyển hướng chiến lược sang sống chung với COVID. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, việc di chuyển đã được cải thiện và sự phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng.

Theo đánh giá của IMF, mặc dù có cú sốc lớn, nhưng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Đặc biệt, việc ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022-2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Với các yếu tố trên, ông Francois Painchaud dự báo: “Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%”.

Với phương pháp tiếp cận chủ yếu dựa trên dữ liệu (data-driven), ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định, các nhóm ngành đang hồi phục, nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi COVID diễn ra. Tính đến thời điểm này, triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm, như hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu, cần phải được kích hoạt để hồi phục mạnh hơn nữa, nhằm góp sức tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Trong khi đó, dựa trên các phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đã cập nhật dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022 - 2023. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5 – 6% trong giai đoạn này; ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 – 2023 chỉ tăng trưởng 4,5 – 5%.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phục thuộc vào mức đội thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga – Ukraina.

Nhưng khó khăn thách thức ngày càng lớn

Bên cạnh những dự báo lạc quan, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần nhìn nhận một thực tế là: Khó khăn thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.

“Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát”, ông Francois Painchaud dự báo những thách thức kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2022 - 2023.

Trong ngắn hạn, ông Francois Painchaud cho rằng, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, còn các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của COVID-19, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này.

Ngay khi đại dịch được kiểm soát, các quốc gia đã thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ với các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo năm 2019 - năm trước đại dịch. Tuy nhiên, các yếu tố về nguồn cung, căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.

Với Việt Nam, gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. Trong khi đó, dựa trên yếu tố giá dầu thô tăng cao, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%...

Cần những chính sách mạnh mẽ để giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Với khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, các diễn giả tại diễn đàn đều có chung quan điểm, cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ.

Ông Francois Painchaud gợi ý, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”, ông Francois Painchaud đề xuất.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (ban hành tại Nghị quyết số 11/NQ-CP) thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

“Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện Chương trình phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác, như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Mong rằng, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hành động sẽ chi phối hoạt động của Chính phủ và cả Quốc hội từ nay trở đi và trở thành việc bình thường. Như vậy sẽ làm gia tăng thêm tác động và hiệu quả của Chương trình cả trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Khi kinh tế phục hồi vững chắc, ông Francois Painchaud khuyến nghị, cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp non trẻ. Cũng như nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động và giảm tình trạng không đạt yêu cầu về kỹ năng lao động.

Thanh Hải