Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà làm việc với Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 12:30, 14/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 13/5/2022, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã có buổi làm việc với ông Philippe Orliange - Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và các chuyên gia cao cấp của AFD tại Việt Nam.

 Quang cảnh buổi làm việc

Buổi họp tập trung trao đổi về (i) quan hệ hợp tác giữa NHNN và AFD trong thời gian qua; (ii) định hướng NHNN trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và nhu cầu hỗ trợ về chính sách, các khoản vay trực tiếp không cần bảo lãnh của Chính phủ, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ tăng cường năng lực; (iii) trao đổi hỗ trợ của AFD về: phát triển tài chính xanh, chuyển dịch năng lượng, xanh hóa tài chính; và (iv) tham gia vào mạng lưới quốc tế các ngân hàng trung ương và các ngân hàng phát triển trong lĩnh vực tài chính xanh và khí hậu với sự hỗ trợ của AFD.

Đại diện tham dự cuộc họp về phía AFD có ông Philippe Orliange - Giám đốc điều hành toàn cầu AFD Paris; bà Pascale Scapecchi - Chuyên gia kinh tế AFD Paris; ông Philippe Fouet - Tham tán, Cơ quan Hợp tác Kinh tế Pháp, Đại sứ quán Pháp; ông Hervé Conan - Giám đốc Quốc gia AFD Việt Nam; ông Hugo Pierrel - Phó Giám đốc Quốc gia AFD Việt Nam. Về phía NHNN có Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Văn phòng NHNN và Viện Chiến lược Ngân hàng.

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà vui mừng được tiếp, làm việc với ông Philippe Orliange - Giám đốc Điều hành Toàn cầu của AFD. NHNN đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của AFD nói chung và của cá nhân ông Philippe Orliange nói riêng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam. Mong rằng, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được hỗ trợ của AFD cho Việt Nam thông qua các nguồn lực hỗ trợ, tư vấn chính sách, tăng cường năng lực.

Phó Thống đốc chúc mừng ông Orliange có chuyến công tác hiệu quả và nhiệm kỳ thành công trong thời gian tới.

Phó Thống đốc cũng thông tin với AFD các hoạt động của ngành ngân hàng về hỗ trợ Chính phủ tăng trưởng xanh của NHNN, trong đó định hướng vào xanh hóa bảng cân đối của các ngân hàng thương mại; đưa ra giải pháp tập trung vào việc nâng cao nhận thức và hành động của cơ quan quản lý thông qua các hỗ trợ tư vấn chính sách về nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý của NHNN trong lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đào tạo tăng cường năng lực cho các đơn vị chức năng của NHNN.

Về dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng: tính đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng chiến lược/lộ trình của ngành ngân hàng hướng tới trung hoà phát thải, gồm một số nội dung như: Thanh tra, giám sát; Xây dựng các kịch bản và mô hình đánh giá sức chịu đựng; Chính sách tiền tệ; Tín dụng...

Về phía AFD, ông Orliange cho biết AFD sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng thương mại cổ phần khác (hiện AFD đang tập trung vào các NHTM nhà nước) có chung chiến lược phát triển bền vững. AFD sẽ tiến hành một nghiên cứu thị trường vào năm 2022 để đánh giá khả năng cung cấp hạn mức tín dụng đa lĩnh vực cho một số ngân hàng ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, AFD mong muốn phát triển Tài chính xanh tại Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và các ngân hàng thương mại, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26; cung cấp các khoản vay ưu đãi không cần bảo lãnh Chính phủ và các khoản viện trợ không hoàn lại của AFD, EU, Quỹ Khí hậu Xanh Toàn cầu cho NHNN và các ngân hàng thương mại; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các công cụ tài chính xanh mới.

Trong thời gian tới, AFD mong muốn khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia vào một số mạng lưới, tổ chức như Câu lạc bộ Tài chính Phát triển Quốc tế (IDFC), Câu lạc bộ các ngân hàng xanh tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về Tài chính xanh; giới thiệu công cụ cho vay không cần bảo lãnh chính phủ của AFD tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Ngoài ra, AFD cũng đề xuất hỗ trợ NHNN tham gia Mạng lưới giám sát và ngân hàng trung ương để xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS), qua đó để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia về tài chính xanh, tín dụng xanh.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thống đốc đề xuất AFD tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững, đặc biệt thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 thông qua các công cụ đa dạng: các khoản vay ODA, các khoản vay trực tiếp không cần bảo lãnh Chính phủ, các khoản viện trợ không hoàn lại.

Với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc đề nghị AFD huy động các nguồn lực vốn dài hạn, chi phí thấp để tài trợ cho các dự án xanh của ngành ngân hàng thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ NHNN và các ngân hàng thương mại tham gia các tổ chức tập hợp các ngân hàng theo hướng “xanh”; cung cấp công cụ cho vay không bảo lãnh Chính phủ cho các ngân hàng tại Việt Nam; phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm/ thực tiễn quốc tế về tài chính xanh và khí hậu; khuyến khích phát triển hợp tác của AFD với các NHTM nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển tài chính xanh.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc tiếp tục giao Vụ Hợp tác Quốc tế là đầu mối, phối hợp AFD cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khác, Nhóm Công tác Ngân hàng nghiên cứu việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, huy động nguồn lực về tăng trưởng xanh cho ngành ngân hàng, qua đó nỗ lực hỗ trợ Chính phủ thực hiện thành công cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP 26.

P.V