Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng bổ sung thành viên, kiện toàn nhân sự
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 16:55, 18/05/2022
Ngày 18/5, Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đã tổ chức cuộc họp quý II/2022 nhằm đánh giá một số kết quả hoạt động và xây dựng chương trình hành động 6 tháng cuối năm 2022, đồng thời công bố quyết định của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng về việc bổ sung thành viên, kiện toàn nhân sự ủy ban. Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự và chỉ đạo cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số yếu tố khách quan nên hoạt động của Ủy ban bị ảnh hưởng. Tuy nhiên sang năm 2021, vượt qua khó khăn dịch bệnh, Ủy ban Chính sách đã tích cực phối hợp với các ban chuyên môn của Hiệp hội Ngân hàng triển khai nhiều công việc đạt kết quả tốt, thực hiện công tác tham mưu, góp ý chính sách hiệu quả cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng để đề xuất, góp ý tới các cơ quan chức năng như góp ý về đánh giá thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và sự cần thiết Luật hóa xử lý nợ xấu; vấn đề chuyển đổi số; sửa đổi, bổ sung một số Thông tư (01,02) có tác động trực tiếp tới hệ thống…
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo công tác của Ủy ban Chính sách cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban Chính sách đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, bao gồm Tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất và dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thực hiện cho vay theo Nghị định trên; góp ý chuyên đề Cho vay có trách nhiệm của Viện Chiến lược; Góp ý về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015/TT-NHNN và Thông tư 13/2017/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng; Có văn bản số 10/HHNH-UBCS ngày 11/1/2022 báo cáo kết quả Tọa đàm của UBCS về xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 gửi TAND tối cao, NHNN, Văn phòng Chính phủ và các Bộ có liên quan đề xuất các giải pháp có liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, xây dựng luật xử lý nợ xấu; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, đánh giá thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và sự cần thiết Luật hóa xử lý nợ xấu; Rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách xây dựng Luật xử lý nợ xấu; Phối hợp với BIDV tổ chức thành công Tọa đàm quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - những khuyến nghị về khuôn khổ pháp lý”. Sau tọa đàm, Ủy ban Chính sách đã có Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý và các giải pháp hỗ trợ ngân hàng thực hiện ngân hàng mở hiệu quả; Họp lấy ý kiến lần 3 đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015/TTNHNN ngày 25/06/2015 và Thông tư 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do NHNN tổ chức.
Trong thời gian tới, Ủy ban Chính sách sẽ tiếp tục tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung góp ý các cơ chế, chính sách quan trọng, tác động đến hoạt động ngân hàng như: Tiếp tục đề nghị Luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14; Đề xuất xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; Đề xuất các giải pháp để triển khai tái cơ cấu các TCTD, tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN, sở hữu của cổ đông nước ngoài; Đề xuất hoàn thiện pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ. Đồng thời tiếp tục góp ý các dự thảo văn bản trọng tâm do NHNN ban hành; Tổ chức Hội thảo/Tọa đàm chuyên đề về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã công bố quyết định của Hội đồng Hiệp hội về việc bổ sung, kiện toàn nhân sự ủy ban. Theo đó, Ủy ban Chính sách bổ sung thêm 6 thành viên, là đại diện một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech và công ty tài chính, bao gồm: Techcombank, Standard Chartered, FE Credit, Shinhan Finance Việt Nam, VAMC và VNPAY.
Như vậy, sau khi kiện toàn bộ máy, Ủy ban Chính sách có tổng cộng 13 thành viên, Chủ nhiệm là ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV. Việc bổ sung, kiện toàn nhân sự ủy ban nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt vai trò tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia thảo luận về những kết quả đạt được của Ủy ban Chính sách trong thời gian qua, cũng như đóng góp ý kiến về phương hướng, chương trình hành động trong thời gian tới. Hội nghị lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Chính sách, đặc biệt là những thành viên mới được bổ sung, kiện toàn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Ủy ban Chính sách đã thực hiện trong thời gian qua, trân trọng ý kiến của các thành viên Ủy ban Chính sách, đánh giá cao vai trò của Ủy ban Chính sách trong việc tham gia góp ý về cơ chế chính sách cho Hội đồng Hiệp hội.
Tổng Thư ký đồng thời lưu ý một số vấn đề quan trọng mà Ủy ban Chính sách cần nghiên cứu triển khai trong thời gian tới. Trong đó, các thành viên Ủy ban Chính sách tiếp tục nghiên cứu, rà soát về các văn bản pháp luật, các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, của các bộ, ngành.. liên quan đến nghiệp vụ, hoạt động ngân hàng để xây dựng chương trình hoạt động cho Ủy ban, tổ chức các tọa đàm, hội thảo nhằm tổng hợp ý kiến, tháo gỡ vướng mắc, bất cập.
Để có kết quả tốt, Tổng Thư ký cho rằng Ủy ban Chính sách cần tiên phong "đi trước một bước", phối hợp với các bên liên quan, các phòng ban cơ quan thường trực Hiệp hội, các cơ quan báo chí truyền thông… để triển khai hiệu quả công việc tham vấn, phản biện chính sách, trong đó có một số vấn đề hiện nay cần được quan tâm như nợ xấu, trái phiếu, giao dịch điện tử và một số cơ chế chính sách khác. Tổng Thư ký cũng mong muốn các thành viên Ủy ban Chính sách đoàn kết, thống nhất để trở thành một tập thể mạnh, hoạt động hiệu quả cao nhất.