Lạm phát ở Anh chạm mức 9%, cao nhất trong vòng 40 năm
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:50, 19/05/2022
Dữ liệu chính thức cho thấy, lạm phát ở Anh trong tháng 4/2022 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm, tạo áp lực đè nặng lên chính phủ trong việc tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết lạm phát giá tiêu dùng đã chạm mức 9% trong tháng 4, vượt qua mức đỉnh điểm của cuộc suy thoái đầu những năm 1990 mà nhiều người Anh vẫn nhớ về lãi suất cao ngất trời và tình trạng vỡ nợ thế chấp ồ ạt.
Anh hiện có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số 5 nền kinh tế lớn nhất của châu Âu và gần như chắc chắn cao nhất trong nhóm G7 (Canada và Nhật Bản vẫn chưa báo cáo số liệu cho tháng 4, tuy nhiên dường như cả hai nước này sẽ không có mức lạm phát cao như Anh).
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Các quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Lạm phát hiện nay được thúc đẩy chi phí bởi giá năng lượng tăng do giá năng lượng toàn cầu tăng cao hơn.”
Hóa đơn năng lượng tăng vọt là động lực lạm phát lớn nhất, phản ánh mức tăng thuế năng lượng được quy định vào tháng trước. Những tác động mạnh mẽ từ xung đột Nga -Ukraine có nghĩa là những hóa đơn đó có khả năng tăng cao trở lại vào tháng 10 tới.
Việc các nhà hàng và quán cà phê tăng giá do thuế suất thuế giá trị gia tăng đã quay trở lại mức trước đại dịch, cũng góp phần làm tăng lạm phát.
ONS cho biết, tính đến tháng 4, giá thực phẩm đã tăng gần 7% trong 12 tháng.
Ngày 16/5, phát biểu trước các nhà lập pháp ,Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey cho biết giá lương thực tăng là một mối lo ngại lớn.
Ngân hàng trung ương trong tháng này dự báo lạm phát sẽ đạt mức cao nhất 10% vào cuối năm nay và các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ có thêm đợt tăng lãi suất mới sau 4 đợt tăng lãi suất đã thực hiện kể từ tháng 12/2021.
Lạm phát giá bán lẻ - một biện pháp cũ mà ONS cho biết hiện không chính xác, nhưng đang được sử dụng rộng rãi trong các hợp đồng thương mại và để xác định lãi suất thanh toán cho trái phiếu chính phủ liên quan đến lạm phát - đã tăng lên 11,1% vào tháng trước, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1982.
Đã có những dấu hiệu về áp lực lạm phát tiếp tục xảy ra khi các nhà sản xuất phải chịu mức tăng kỷ lục lớn nhất trong lịch sử về chi phí phải trả cho nguyên liệu thô, tăng tới 18,6% hàng năm.
Tính đến tháng 4, các nhà máy cũng đã tăng giá 14% trong vòng 12 tháng, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2008.
(Nguồn: Aljazeera)