Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương 2022: Mở rộng thương mại và đầu tư Mỹ - châu Á trong khu vực
Kết nối - Ngày đăng : 08:17, 21/05/2022
Ông Steven Okun, Chủ tịch AmCham khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương 2022. Ảnh: Minh Ngọc |
Hơn 80 quan chức chính phủ, giám đốc điều hành khu vực tư nhân và các lãnh đạo tư tưởng của các ngành trọng điểm trên khắp thế giới có mặt để thảo luận thêm về những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, trong đó có các đại diện cấp cao như ông Michael A. Arthur, Chủ tịch Boeing International; ông Charles Freeman, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có các diễn giả nổi bật như bà Marisa Lag, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ; ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ; ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam; ông Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ…
Ông Steven Okun, Chủ tịch AmCham khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Các thành viên AmCham từ khắp châu Á đã thảo luận về biện pháp hỗ trợ tốt nhất để tăng cường kinh tế và thương mại của Mỹ trong khu vực, đồng thời giải quyết triệt để các khó khăn còn tồn đọng trong từng ngành.” Ông Okun cũng chia sẻ: “Với chính sách kinh tế và đối ngoại của Đông Nam Á có trọng tâm hướng đến Mỹ, cùng Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ - ASEAN ở Washington, Hà Nội là địa điểm phù hợp nhất để diễn ra sự kiện.”
Trong phiên thảo luận của Hội nghị, các diễn giả và đại biểu đã đưa ra nhận định về xu hướng kỹ thuật số nền kinh tế hậu đại dịch. Theo đó, các quy tắc thúc đẩy tính cởi mở, khả năng tương tác và không phân biệt đối xử trong nền kinh tế kỹ thuật số sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt.
Một Hiệp định thương mại kỹ thuật số sẽ giải quyết những trở ngại đối với hoạt động kinh doanh ngày nay, chẳng hạn như một bộ quy tắc cho chữ ký điện tử, quy tắc quyền riêng tư xuyên biên giới toàn cầu, công nhận các giao dịch cũng như hồ sơ điện tử, và không có yêu cầu bản địa hóa dữ liệu.
Thỏa thuận này không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ mà còn về mọi thứ trong cuộc sống ngày nay, từ mua sắm hàng hóa trực tuyến đến dịch vụ, giáo dục và du lịch. Do đó, kỹ thuật số không chỉ là một phân đoạn nhỏ của nền kinh tế - nó là toàn bộ nền kinh tế.
Từ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích và mở ra thị trường không có khả năng phục vụ, đưa nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề truyền thống ở Mỹ - phụ nữ, dân tộc thiểu số, các cộng đồng nông thôn - vào thị trường toàn cầu thông qua thương mại kỹ thuật số.
Chủ tịch AmCham cũng nói thêm: Sống và làm việc ở châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi biết việc Mỹ tăng cường tham gia thương mại sẽ giảm thiểu thách thức và tăng cơ hội khi xét đến lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ một cách sáng tạo về việc vừa cải thiện những khó khăn trên thực tế, vừa giải quyết những mối quan tâm của các bên liên quan về chính sách thương mại để cùng nhau tìm ra con đường tiến lên.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Giám đốc Điều hành AmCham Hà Nội – ông Adam Sitkoff cho biết: “Ngày hôm nay đánh dấu lần đầu gặp gỡ trực tiếp của tổ chức AmCham sau hơn 3 năm đại dịch trên toàn cầu.” Ông cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp nhiều bạn bè từ khắp thế giới tại Hà Nội. Nhiều người trong số họ đang có chuyển thăm đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ khi đại dịch bắt đầu”. Ông Sitkoff cũng dành lời tán dương cho lãnh đạo Chính phủ Việt Nam vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Sau chuyến thăm Hà Nội, nhóm các giám đốc điều hành sẽ dành cuối tuần ở Huế để thăm các địa điểm văn hóa và gặp gỡ các quan chức cấp tỉnh. Chương trình này nhằm giới thiệu các nhà đầu tư Mỹ tới các vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam.