Việt Nam: Phục hồi mạnh mẽ giữa những sóng gió bên ngoài
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 17:00, 23/05/2022
Phái đoàn do Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế chính AMRO, Sanjay Kalra, dẫn đầu. Giám đốc AMRO, Toshinori Doi và Kinh tế trưởng, Hoe Ee Khor đã tham gia các cuộc thảo luận chính sách. Các cuộc thảo luận tập trung vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ hơn nữa sự phục hồi, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững và bao trùm trong trung hạn.
Triển vọng phát triển
Tiến sĩ Kalra cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát được dự báo sẽ được kiềm chế. “Triển vọng tích cực này dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước phục hồi và dòng vốn đầu tư lành mạnh, được củng cố bởi lập trường chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.”
Sự bùng phát trong nước của biến thể Omicron đã giảm mạnh vào tháng 4/2022, các hạn chế biên giới và các biện pháp ngăn chặn trong nước đã được nới lỏng. Khoảng cách tổng sản lượng dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, sự phục hồi là không đồng đều giữa các lĩnh vực. Trong khi sản lượng của khu vực sản xuất và dịch vụ đều vượt qua mức của năm 2019, thì khu vực dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và logistics.
Lạm phát giá tiêu dùng được dự báo sẽ duy trì ở mức dưới 3,5% vào năm 2022, do chính phủ có kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn giá dầu và điều hành giá để bù đắp áp lực phát sinh từ diễn biến giá năng lượng trên toàn cầu.
Một số rủi ro
Rủi ro đối với dự báo tăng trưởng tương đối cân bằng. Những rủi ro theo chiều đi xuống chính xuất phát từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hàng hóa toàn cầu liên quan đến những diễn tiến địa chính trị, sự bùng phát nhiều biến thể COVID-19 kháng vắc-xin, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, việc thắt chặt điều kiện tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến và sự gia tăng liên tục giá dầu trên toàn cầu. Rủi ro theo chiều hướng đi lên là tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tư nhân nhanh hơn dự kiến.
Từ quan điểm dài hạn, đại dịch COVID có thể đã làm gia tăng bất bình đẳng với những vết sẹo để lại lâu dài hơn đối với các thành phần dễ bị tổn thương hơn trong xã hội. Trong lĩnh vực tài chính, bảng cân đối kế toán ngân hàng xấu đi do ảnh hưởng của sự suy giảm tăng trưởng liên quan đến đại dịch có thể sẽ mất một thời gian để khắc phục. Rủi ro tiềm ẩn từ lĩnh vực bất động sản cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian gần và trung hạn.
Phản ứng chính sách
Với tình hình chu kỳ của nền kinh tế, AMRO khuyến nghị lập trường chính sách tài khóa hỗ trợ có mức độ vừa phải vào năm 2022.
Với dư địa tài khóa sẵn có và sự phục hồi không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế và xã hội, chính sách cần cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Các điều kiện tiền tệ nên được bình thường hóa để kiềm chế áp lực lạm phát và giảm mất cân bằng tài chính xuất hiện trong môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) và hộ gia đình dễ bị tổn thương, đồng thời cung cấp đủ vốn cho các lĩnh vực sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tiếp tục cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, bởi nó cân bằng các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và ổn định khu vực tài chính.
Về mặt ổn định tài chính, cần có những nỗ lực để tăng trích lập dự phòng và bộ đệm vốn để chuẩn bị cho việc gia tăng tài sản xấu, do chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ sắp hết hiệu lực. Một khung chính sách thận trọng vĩ mô cần được đưa ra, bao gồm cả việc giải quyết tình trạng mất cân đối trên thị trường bất động sản.
Khi vượt ra khỏi vị thế quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam sẽ cần thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực để huy động tài chính cho tăng trưởng và phát triển cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng xếp hạng của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế lên cấp độ đầu tư vào năm 2030 là một bước đi đúng hướng.
Cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và bao trùm, bao gồm đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ FDI trong nước thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng; và củng cố mạng lưới an sinh xã hội để đón đầu các xu hướng già hóa dân số.