Điện toán đám mây giúp đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp

Công nghệ - Ngày đăng : 09:49, 27/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Điện toán đám mây là một trong những nền tảng thúc đẩy nhanh và hiệu quả của quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh trong đại dịch COVID-19.

Tại hội thảo “Ứng dụng điện toán đám mây đẩy nhanh chuyển đổi số” tổ chức vừa qua, các diễn giả tham dự đã thảo luận về những xu hướng trong ứng dụng điện toán đám mây (clound computing) và kinh nghiệm sử dụng công nghệ này trong chuyển đổi số cho doanh nghiệp và chính phủ.

Theo ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Công nghệ Khối khách hàng doanh nghiệp của Microsoft Vietnam,  điện toán đám mây là một trong những công nghệ cốt lõi quan trọng hàng đầu hiện này, giúp người dùng và doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí, triển khai sản phẩm mới nhanh chóng cũng như tăng cường khả năng bảo mật, toàn vẹn dữ liệu , đồng thời đem lại sự linh hoạt cao hơn về quy mô.

Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Microsoft hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích sử dụng công nghệ điện toán đám mây, như ứng dụng Microsoft Teams. Tại Việt Nam, Microsoft hợp tác với FPT Software cung cấp giải pháp ảo hóa máy trạm trên Microsoft Azure. Quá trình hợp tác, chia sẻ dữ liệu và làm việc nhóm trên các sản phẩm này đã giúp tăng hiệu suất của nhân viên tại FPT giữa đại dịch lên 30%. Ngoài FPT, công ty Vantix thuộc tập đoàn Vingroup cũng đã sử dụng nền tảng và hạ tầng dữ liệu Azure của Microsoft để giúp tối ưu hóa hiệu quả của người lao động thông qua thiết bị giám sát.

Ông Sơn cho biết thêm, Microsoft từ một công ty phần mềm thuần túy trở thành một tập đoàn tập trung vào dịch vụ điện toán đám mây và hiện là nhà cung cấp sản phẩm  điện toán đám mây với tổng doanh thu lớn nhất thế giới, hạ tầng trải khắp các châu lục.

Ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc Khối công nghệ Cloud , FPT Smart Cloud. Ảnh: Bảo Đăng

Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số nhờ công nghệ điện toán đám mây trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Phan Hồng Tâm - Giám đốc Khối công nghệ Cloud (FPT Smart Cloud) cho rằng công nghệ đã tạo ra sự khác biệt về hiệu quả làm việc và tăng trưởng doanh thu giữa các doanh nghiệp cùng ngành và tương đương về quy mô. Trong đó, điện toán đám mây là một trong những nền tảng chính cho chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Đại diện FPT Smart Cloud cho biết, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam có thể lên tới 2,3 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, thị phần này, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước chỉ nắm 20% thị phần. 

Để thành công trong chuyển đổi lên nền tảng điện toán đám mây, ông Tâm cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng một bộ chỉ số theo dõi với các thời gian biểu và mục tiêu cụ thể. FPT Smart Cloud sử dụng 5 nguyên tắc cho dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm bảo mật, công nghệ và quy mô phù hợp, hệ sinh thái tích hợp đa dạng, ứng dụng AI để tăng hiệu suất, và khả năng cung cấp dịch vụ xuất sắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng

Tham gia hội thảo trực tuyến, ông Ken Soh - CIO và CEO của Athena Dynamics Pte Ltd (tập đoàn công nghệ Singapore) đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số và cho rằng quá trình này có thể dẫn đến chuyển đổi cả mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Ken Soh, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiêp hoặc phải chuyển đổi số trong cả kinh doanh và hoạt động, hoặc ngừng tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn chung.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp cũng đang đi 'lệch hướng' và không chú ý đến những vấn đề cơ bản xảy ra trong chuyển đổi số, trong đó có vấn đề khả năng bảo mật. Theo ông Ken Soh, quá trình chuyển đổi số về công nghệ phải đi kèm với quá trình nâng cao năng lực công nghệ của đội ngũ nhân viên và lãnh đạo, đồng thời xây dựng cơ cấu tổ chức chặt chẽ và hiệu quả đi kèm với các giải pháp bảo mật toàn diện.

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: Bảo Đăng

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng,  sự cần thiết của quá trình xây dựng các cơ sở dữ liệu khu vực công cũng dẫn đến nhu cầu chuyển dịch dữ liệu lên nền tảng đám mây.

Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp, khu vực công có những giới hạn nhất định về ngân sách và lựa chọn nhà thầu, dẫn đến một số điểm nghẽn trong thực thi. Cũng theo ông Đồng, do quy mô và tầm quan trọng của dữ liệu, chính sách ưu tiên điện toán đám mây ở khu vực công sẽ có những yêu cầu đặc thù về bảo mật, tính linh hoạt và phân loại dữ liệu, qua đó quyết định lựa chọn cách tiếp cận và giải pháp điện toán đám mây. 

Bảo Đăng