Một ngân hàng bán phần mềm Fintech của chính mình
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 15:32, 28/05/2022
Gần đây lại xuất hiện một cách tiếp cận rất khác. OakNorth Holdings, một công ty Anh với hai “cánh” phối hợp nhịp nhàng: OakNorth Bank - ngân hàng chuyên cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Vương quốc Anh và công ty Fintech OakNorth chuyên bán phần mềm phân tích tín dụng và giám sát danh mục vay cho các ngân hàng Hoa Kỳ.
Công ty Fintech OakNorth bán phần mềm cho vay cho tất cả các ngân hàng, kể cả “người anh em” là OakNorth. Peter Grant, chủ tịch kiêm giám đốc thương mại của OakNorth, nói “Chúng tôi không cạnh tranh với ngân hàng” và bổ sung thêm rằng họ tập trung vào thị trường Hoa Kỳ vì đó là thị trường cho vay thương mại lớn nhất thế giới.
Cặp đôi ngân hàng và công ty Fintech này đã làm dậy sóng trong các thị trường của họ từ khi ra mắt chung năm 2015 - thời điểm ngân hàng OakNorth nhận được giấy phép.
Ngân hàng OakNorth đã cho vay 9 tỷ đô la kể từ khi thành lập. Họ cũng cung cấp tài khoản tiết kiệm cá nhân và doanh nghiệp. Theo báo cáo về các ngân hàng kiểu mới (challenger bank) hồi tháng 4/2022 của Moody’s, mỗi khách hàng của Ngân hàng OakNorth đã gửi trung bình 18.019 đô la vào ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2020. Ngân hàng có khoản tiền gửi trung bình của khách cao nhất tiếp theo là Ngân hàng Sony với 16.206 đô la cho mỗi khách hàng.
Ngân hàng OakNorth cũng là một trong số ít các ngân hàng thế hệ mới trên toàn thế giới có lợi nhuận. Theo Moody’s, vào cuối năm 2020, ngân hàng OakNorth báo cáo thu nhập ròng là 78 triệu đô la dù chỉ có 200.000 khách hàng trong cùng kỳ báo cáo.
Công ty Fintech OakNorth đã tung ra sản phẩm cho vay của mình, ON Credit Intelligence Suite, cùng thời điểm ngân hàng “anh em” của nó mở cửa hoạt động kinh doanh và hiện có các khách hàng như PNC Bank, Capital One và Fifth Third Bank. Grant cho biết công ty fintech đang tìm cách phục vụ các ngân hàng có danh mục cho vay trong phạm vi 200 triệu đến 1 tỷ USD, mà theo ông là một thị trường thường chưa được phục vụ.
OakNorth Fintech nhắm mục tiêu khoảng 700 ngân hàng ở Hoa Kỳ với danh mục đầu tư vượt quá 1 tỷ đô la, Grant nói. "Tôi cho Hoa Kỳ là một thị trường cạnh tranh mạnh hơn là ở châu Âu."
Vị Chủ tịch này giải thích rằng có nhiều cơ hội hơn để phát triển ở Hoa Kỳ, đặc biệt là khi Fintech và các nhà cung cấp phi truyền thống như Amazon, Plaid và PayPal phá vỡ không gian của các ngân hàng truyền thống.
Ông nói: “[Các công ty này] hiện đã hiểu rõ các giao dịch và họ đã sẵn sàng đưa ra các quyết định tự động để cấp cho [khách hàng] các khoản tín dụng nhỏ hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng có rất nhiều không gian cải tiến cho các ngân hàng hiện tại để nâng cấp công nghệ tự động hóa của họ.
Ông giải thích rằng, Ngân hàng OakNorth cũng là một ví dụ điển hình cho công nghệ mà Fintech bán cho các khách hàng ngân hàng khác của mình. Kể từ khi ra mắt, ngân hàng cho biết chỉ có tổng cộng 12 vụ vỡ nợ trong số các khoản vay trị giá 9 tỷ USD. Ngân hàng có chỉ số hiệu quả là 26% (với mục tiêu là 20%) và 4/5 khách hàng mới đến qua sự giới thiệu của khách hàng cũ.
Ben Barbanel, Giám đốc Cho vay tại Ngân hàng OakNorth, cho biết trên trang web của OakNorth là mỗi năm các nhà quản lý quan hệ khách hàng của ngân hàng kiểu mới có thể thực hiện nhiều giao dịch hơn gấp nhiều lần so với những đồng nghiệp tại các ngân hàng khác. “Công nghệ mở ra hiệu quả ở phần xử lý giao dịch back end, vì vậy họ có nhiều thời gian hơn để bắt đầu các giao dịch mới với khách hàng”.
Nguồn cảm hứng đằng sau OakNorth không quá khác biệt so với cảm hứng của các Fintech và ngân hàng kiểu mới khác. Khi những người đồng sáng lập Joel Perlman và Rishi Khosla thành lập công ty nghiên cứu của mình năm 2005, họ đã đến tất cả các ngân hàng lớn để đăng ký vay vốn. Sau nhiều lần thất bại, họ nhận ra một lỗ hổng tồn tại trong ngành ngân hàng. Sau khi bán công ty nghiên cứu, cả hai quyết định thành lập một công ty để giải quyết khoảng trống trong lĩnh vực cho vay - các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường bị các ngân hàng truyền thống bỏ qua.
“Các ngân hàng lớn không có khả năng phân tích hoặc quyền truy cập vào dữ liệu để có thể hiểu được cách thức hoạt động của các doanh nghiệp này”, Jackson Hull - Giám đốc điều hành tại OakNorth - nói trong podcast Chuyển đổi Ngân hàng. Ông nói OakNorth cố gắng giúp các ngân hàng chuyển từ “Không” thành “Tại sao chúng tôi không thể?”
Cả OakNorth Bank và Fintech đều đã thành công trong các thị trường tương ứng của họ. Nhưng hành trình không phải là hoàn hảo. Trong vài năm đầu tiên, OakNorth tự hào về tỷ lệ vỡ nợ 0%, nhưng điều đó đã dừng lại vào tháng 2 năm 2021, khi Financial Times báo cáo Ngân hàng OakNorth có gần 100 triệu đô la các khoản vay không trả được từ 10 khách hàng. Financial Times nhận thấy tám trong số mười khoản vay có liên quan đến phát triển bất động sản.
Khosla nói với hãng tin rằng ngân hàng đã thu hồi được các khoản nợ đối với bốn khoản vay của mình và có thể mong đợi khả năng thu hồi ít nhất là 90% đối với sáu khoản vay còn lại. Sự xuống dốc không kéo dài lâu đối với OakNorth. Đến năm 2022, ngân hàng đã phục hồi và báo cáo lợi nhuận năm 2021 tăng vọt 73% so với năm trước đó.
Nhiệm vụ của họ, với phần mềm của mình, là tăng khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách thực hiện một cách tiếp cận thông minh hơn đối với quyết định cho vay. Thay vì chỉ nhìn vào quá khứ, chẳng hạn như lịch sử hoặc hiệu suất giao dịch trước đây, phần mềm của họ còn hướng tới tương lai, đưa ra đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp. Cách làm đó không chỉ phát huy tác dụng trong điều kiện bình thường mà còn góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại trong thời gian đại dịch. Thay vì đánh giá tất các cơ sở kinh doanh ăn uống như nhau, OakNorth xem xét cụ thể và đánh giá sự khác biệt giữa các cơ sở bán hàng tại chỗ và các cơ sở bán thức ăn mang về. Điều đó rất hữu ích cho các doanh nghiệp cần vay vốn cũng như ngân hàng - người cho vay. Không phải các ngân hàng không hiểu điều đó, vấn đề là họ thấy không bõ công thẩm định đối với những món vay nhỏ. Điều OakNorth làm được là sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để hỗ trợ tự động hóa một phần quy trình xét duyệt khoản vay, giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí.
Tuy mới xuất hiện trong ngành ngân hàng, mô hình này không phải là hiếm trong thế giới Fintech. Ví dụ như công ty tài chính OnDeck (không phải là ngân hàng) - hiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York - cũng có hoạt động kinh doanh tương tự, cho các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ vay, đồng thời bán công nghệ của mình cho JPMorgan Chase vào năm 2016, qua đó phục vụ hàng triệu khách hàng doanh nghiệp nhỏ. Năm 2018, OnDeck lại bán công nghệ cho ngân hàng PNC nhưng đến năm 2019 thì JPMorgan Chase đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác với họ. Cùng với nhiều công ty Fintech khác, ví dụ về OnDeck và OakNorth cho thấy thị trường cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thu hút sự chú ý của giới công nghệ tài chính. Tuy khác biệt về mức độ hoàn thiện của giải pháp song có một điểm chung là đều hợp tác với nhiều ngân hàng khác nhau. Điểm đặc biệt của OakNorth là công nghệ được thử nghiệm và tinh chỉnh qua hoạt động thực tiễn của một ngân hàng có giấy phép. Đó có thể là một điển hình cho những công ty Fintech muốn phát triển thị trường hay thậm chí là các ngân hàng khi chưa đủ sức mở rộng thị trường.