Điểm mặt một số doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt lớn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:50, 29/05/2022
Lạm phát đang là câu chuyện “nóng” trên toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài và tình trạng trên có thể xấu hơn nếu cán cân cung và cầu không được đảm bảo.
Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, IMF dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7% , các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Khi lạm phát tăng, phản ứng của ngân hàng trung ương là nâng lãi suất và cung tiền sẽ chậm lại. Việc tăng lãi suất và hạn chế cung tiền có thể xem là tác nhân khiến thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong thời gian gần đây.
Dự báo lạm phát của IMF |
Trong khi đó, Việt Nam cơ bản vẫn kiểm soát được lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 0,89% của bình quân 4 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 4 tháng đầu năm 2017-2020. Tuy nhiên CTCK Mirae Asset cho rằng, CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu (cũng như lãi suất ngân hàng) sẽ tăng dần lên.
“Khi lạm phát và lãi suất tăng, cổ phiếu nào hưởng lợi? Chúng tôi đánh giá doanh nghiệp nào có nhiều tiền mặt sẽ hưởng lợi”, Mirae Asset cho biết.
Tính từ mức giá đóng cửa ngày 4/4/2022 là 1.524 điểm đến hết phiên 27/5, VN-Index đã giảm 238 điểm, điểm tương ứng với mức giảm 15,6%. Chỉ số giảm mạnh kéo theo nhiều cổ phiếu lao dốc.
Mirae Asset nhận thấy, nhiều cổ phiếu sau nhịp giảm mạnh, vốn hóa đã giảm về gần với giá trị khoản mục tiền mặt là tài sản được xem là có tính an toàn cao trong giai đoạn biến động lớn như khoản thời gian vừa qua.
Finnpro đưa ra danh sách lọc 15 cổ phiếu có tiền/vốn hoá lớn nhất không bao gồm các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán theo dữ liệu cập nhật tại ngày 13/5/2022. PVG là doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất, lên đến 218,16% mức vốn hóa của doanh nghiệp, tiếp theo là TCH với mức 97,57% và CTD xếp thứ 3 với tỷ lệ 94,31%.
Xét riêng các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, nhận thấy nhiều doanh nghiệp hiện đang có dòng tiền cải thiện tốt trong quý I/2022, thêm vào đó các doanh nghiệp này cũng đang sở hữu lượng tiền mặt lớn.
Dẫn dầu danh sách là PVS với giá trị tiền ròng/vốn hóa đạt hơn 72%, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVS cũng cải thiện mạnh từ mức -1.356 tỷ đồng trong quý I/2021 lên mức 667 tỷ đồng trong quý I/2022.