TP. Hồ Chí Minh tín dụng tăng cao hỗ trợ và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:42, 31/05/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - 5 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước đạt 3.074.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ này năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 tăng 1,75% và năm 2019 tín dụng tăng 6,47%. 

Các yếu tố thúc đẩy tín dụng tăng trưởng

Số liệu thống kê cho thấy tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Kết quả tăng trưởng này được nhận thấy gắn liền với 3 yếu tố thúc đẩy chính sau:

Thứ nhất, kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó các ngành, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như: xuất khẩu; chế biến lương thực thực phẩm; công nghiệp chế tạo; du lịch dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm.

Theo đó, tất cả các chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện như: cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 nhóm ngành: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hay các chương trình cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCN-KCX; cho vay nông nghiệp và nông thôn và cho vay kích cầu đầu tư đều có dư nợ tăng trưởng. Riêng chương trình cho vay KCN-KCX tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, tăng 27,1% so với cuối năm 2021.

Đây là các chương trình tín dụng chuyên đề gắn với chính sách hỗ trợ của ngân hàng trung ương hoặc UBND thành phố: lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt các chương trình này, có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí và điều kiện kinh doanh, tạo động lực phát triển và góp phần quan trọng trong việc ổn định giá cả hàng hóa, giải pháp cần thiết và thiết thực trong bối cảnh hiện nay khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất gia tăng.

Thứ hai, hiệu quả chính sách tiền tệ tín dụng, đặc biệt là chính sách tín dụng theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả trực tiếp cho khách hàng, doanh nghiệp giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 mà còn phục hồi và tăng trưởng. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhờ việc giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận chính sách này đã trở lại hoạt động và tăng trưởng nhanh sau dịch bệnh. 

Thứ ba, sự phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp. Một số nhóm ngành lĩnh vực phục hồi nhanh không chỉ tạo dòng tiền, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn mà còn giúp duy trì và phục hồi cũng như nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng. Kết quả tăng trưởng kinh tế; kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp; của ngân hàng trong 5 tháng đầu năm cùng với yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ là nền tảng để kinh tế phục hồi và tác động trở lại cho động lực tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm với mức tăng trưởng cao và ấn tượng so với cùng kỳ này các năm trước.

Một số giải pháp cho thời gian tới

Để tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn nói riêng cần quan tâm và thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp. Làm tốt những việc này không chỉ mang lại hiệu quả tín dụng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, đến lãi suất và nguồn vốn huy động, trong bối cảnh tiềm ẩn những yếu tố gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.

Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất. Trong đó, mới đây nhất là nhiệm vụ khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Đảm bảo phát huy hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ này, đồng thời mở rộng và tăng trưởng tín dụng bền vững.

Phát triển dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt để tăng trưởng bền vững. Quá trình này thực hiện tốt không chỉ giúp tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn hỗ trợ và tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, tạo những chuyển biến cơ bản trong việc đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đức Lệnh