Lãi suất tiết kiệm tháng 6/2022: Tiếp tục tăng tại các ngân hàng thương mại cổ phần
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:00, 01/06/2022
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Khảo sát nhanh được Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ thực hiện tại một số ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, SCB, BacABank, NCB, SeABank, VIB, VPBank, Techcombank, MB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB, Sacombank, VietABank... cho thấy, trong ngày đầu tháng 6/2022 lãi suất tiết kiệm kỳ hạn (3, 6, 12, 24 tháng) tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục được điều chỉnh tăng, với biên độ tăng thêm phổ biến từ 0,1-0,5% một năm, thậm chí có nhà băng tăng đến thêm 0,8%.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) là ngân hàng có mức độ điều chỉnh tăng mạnh nhất trên thị trường, với mức điều chỉnh tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,5%, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%. Với biên độ lãi suất được tăng thêm, kỳ hạn 3 tháng của VIB có lãi suất là 4,0%/năm; 6 tháng là 5,8%/năm; 12 tháng là 6,2%/năm; 24 tháng là 6,2%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng khoảng 0,3 - 0,7 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm thông thường với mức gửi chỉ từ vài triệu đồng trở lên ở kỳ hạn 3 tháng là 3,35%/năm; 6 tháng là 4,65%/năm; 12 tháng 5,55%/năm; 24 tháng là 5,65%/năm. Với khách hàng VIP 1, lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận là 6,2%/năm (kỳ hạn 36 tháng), tăng tăng 0,7 điểm % so với mức lãi suất trước đó là 5,5%/năm. Đặc biệt, với khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn, Techcombank tiếp tục duy trì mức lãi suất 7,1%/năm.
So với cùng kỳ tháng trước, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,3 – 0,5% đối với các kỳ hạn được khảo sát. Cụ thể, biểu lãi suất huy động niêm yết ở mức: kỳ hạn 3 tháng áp dụng lãi suất 3,8%/năm (tăng 0,3%); kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm (tăng 0,45%); kỳ hạn 24 tháng là 6,9%/năm (tăng 0,5%).
Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn với mức tăng từ 0,1 – 0,3%, cụ thể: kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,1% đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn này lên 6,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng tăng thêm 0,3% đưa lãi suất huy động lên 7,3%/năm. SCB cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay.
Ngoài những ngân hàng trên, các ngân hàng như OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB, SHB... cũng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức phổ biến 0,1-0,4% một năm.
Trái ngược với xu hướng tăng tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng có vốn nhà nước tiếp tục cho thấy sự ổn định so với các tháng trước, ví như: lãi suất tiền gửi tại Vietcombank vẫn duy trì mức 3,3%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 4,0%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng...
Dự báo cho cả năm 2022, Công ty CK VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9 - 6,1% một năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5 - 5,7% một năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7% một năm.
Còn các chuyên gia của Công ty CK BSC đưa ra kịch bản, nếu lạm phát tăng và tỷ lệ cho vay trên huy động của các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng trở lại, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,5-1% trong năm 2022.
THỐNG KÊ LÃI SUẤT TIẾT KIỆM THÁNG 6/2022 MỘT SỐ NGÂN HÀNG
(Đơn vị tính: %/năm)